Nhớ ký ức cũ để tiếp tục đổi mới

Đọc loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” những ngày gần đây, ký ức về những ngày sống trong thời bao cấp chợt ùa về trong tôi với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn.1.
Nhớ ký ức cũ để tiếp tục đổi mới

Đọc loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” những ngày gần đây, ký ức về những ngày sống trong thời bao cấp chợt ùa về trong tôi với bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn.

1.
Những năm 1971-1972, những “em bé Hà Nội” phải đi sơ tán để cha mẹ yên tâm sản xuất, chiến đấu. Hàng ngày, lũ trẻ chúng tôi đến trường đều phải đội chiếc mũ rơm nặng trĩu để tránh bom đạn. Sau 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội, quân đội ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Cha mẹ đón chúng tôi trở về Hà Nội đi học.

Những năm 1973-1974 làm gì có đồng phục học sinh như bây giờ, đứa nào cũng chỉ có vỏn vẹn một bộ quần áo cũ thay đổi, mùa hè không sao nhưng mùa đông quần áo khô không kịp phải mặc cả quần áo ẩm đi học khiến đã rét lại càng rét hơn. Cái mặc không đủ còn khắc phục được, chứ vật lộn với cái đói thì thật là kinh khủng. Dù đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng chúng tôi ít khi được ăn cơm, toàn phải ăn độn bột mì, ngô, khoai, sắn. Có khi cả tháng mới được ăn bát cơm. Mẹ tôi buồn bã chép miệng: “Ôi cái thời gạo châu, củi quế”…

Nhìn đàn con đói khổ, cha tôi - một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, cố gắng động viên các con: “Chúng ta phải thắt lưng buộc bụng để chi viện gạo, thịt cho các chú bộ đội ở miền Nam đánh Mỹ. Khi nào đất nước thống nhất, ba sẽ đưa các con về miền Nam tha hồ ăn cá thịt, trái cây…”. Ngày ấy, với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, nên đồng bào miền Bắc sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, do vậy, dù sống trong gian khổ nhưng mọi người vẫn vui vẻ chấp nhận.

Rồi ngày giải phóng miền Nam cũng đến, lũ trẻ chúng tôi vui mừng khôn xiết. Tôi cứ chân trần chạy bộ lên hồ Hoàn Kiếm, chờ xem bắn pháo hoa, rồi hò hét vang trời. Trong niềm vui không thể tả xiết ấy, chúng tôi tin chắc một điều: từ nay sẽ không còn đói khổ nữa… Nào ngờ, khi niềm vui chiến thắng vừa tạm lắng, nỗi lo cơm áo gạo tiền ập đến. Nhà tôi có bốn anh em, cha đi tiếp quản miền Nam, mẹ làm công nhân, cả nhà sống bằng chế độ tem phiếu.

Mẹ tôi lúc nào cũng lo thiếu gạo nên bà bán hết tem phiếu cho dân phe phiếu ở chợ để lấy tiền mua gạo. Thế là, cả tháng chúng tôi không biết đến miếng thịt, bìa đậu là gì. Hôm nào khá lắm có món rau muống xào tỏi. Miếng ăn ngon hiếm đến nỗi, hễ nhà nào trong khu tập thể mà có thịt gà, cá mú là bị dòm ngó ngay, vì thế nhà nào có món ngon là phải giấu kỹ.

Ngày nào có thông báo bán thực phẩm theo tiêu chuẩn, nhất là bán thịt, cả khu tập thể rộn rã hẳn lên, nhà nào ít con mua thịt nạc, thịt đùi còn những nhà đông con như nhà tôi, mẹ chỉ mua toàn thịt mỡ để ăn cả tháng. Một lần, mẹ tôi mua khoảng 2kg mỡ để dành cho mùa đông giá rét. Bà chiên mỡ, rồi đợi mỡ nguội, thời gian mấy tiếng đồng hồ nhưng lúc bưng chảo mỡ lên nhà để cất thì bà bị vấp té làm chảo mỡ đổ hết xuống nền đất. Thế là cả tháng trời nhà tôi phải ăn chay. Cho đến nay, mấy anh em tôi vẫn không quên chuyện này, vì lúc đó ăn độn bột mì hay bo bo mà có giọt mỡ chan vào thì ngon không gì bằng.

Những năm đầu sau giải phóng, người dân TPHCM phải sử dụng tem phiếu để mua hàng hóa. Ảnh: T.L.

Những năm đầu sau giải phóng, người dân TPHCM phải sử dụng tem phiếu để mua hàng hóa. Ảnh: T.L.

2. Năm 1976, cha đón mẹ con tôi về quê nội ở TPHCM. Được về “miền đất hứa” mà cha đã nhắc đến trong suốt thời gian ông sống trên đất Bắc, chúng tôi không giấu được niềm phấn khởi, tự hào.

Sum họp gia đình được ít lâu, chúng tôi lại phải đối mặt với cái đói. Tiêu chuẩn chỉ có mấy ký gạo nên chúng tôi phải nhường cho đứa em út gầy còm. Có khi cả tháng trời, mấy anh em tôi không được ăn cơm. Có lần đi học về đói quá, nuốt vội bát mì mà nuốt không trôi, vì trong mì có lẫn nhiều dây sợi, ăn rồi nuốt không được lại phải nhả ra. Xót con, cha lớn tiếng với mẹ: “Bà là mẹ mà sao để các con phải ăn như thế?”. Mẹ tôi ôm mặt khóc: “Ra cửa hàng lương thực, nhân viên đưa bao mì nào phải lấy bao đó chứ họ có cho chọn đâu…”.

Năm 1978-1979, anh trai tôi xung phong đi bộ đội còn tôi thi đậu vào đại học, được hưởng tiêu chuẩn sinh viên 17kg gạo; 0,5kg thịt; 0,5kg đường và 13.000 đồng học bổng/tháng. Thế nhưng, sinh viên chúng tôi vẫn thường xuyên phải ăn cơm sống, cơm khê cùng thịt mỏng gió bay và canh toàn quốc của bếp ăn tập thể.

Vào năm thứ hai đại học, trường tôi cho sinh viên đi thực tế ở Tây Nam bộ. Khi đến tỉnh Kiên Giang, thấy nhà bác nông dân có nồi cơm rất to, chúng tôi định xin ăn thì bác nông dân hốt hoảng: “Cơm heo đó, để bác lấy gạo ngon nấu cho ăn…”. Theo chân bác nông dân vào vựa lúa, chúng tôi thấy trắng xóa trứng vịt, trứng gà, ngoài sông thì không thiếu tôm, cá. Hôm đó, bác nông dân nấu nồi cơm to, kho cá và chiên mấy chục quả trứng vịt cho chúng tôi ăn một bữa no đến nỗi có đứa suýt bội thực phải đi cấp cứu.

Có mặt ở Tây Nam bộ, chúng tôi không khỏi thắc mắc: “Sao ở TP khan hiếm gạo, thịt mà ở đây lại nhiều đến thế?”. Bạn tôi lém lỉnh bảo: “Do chính sách ngăn sông cấm chợ đấy. Khi nào về, tao sẽ mua ít gạo, thịt về TP bán kiếm lời…”. Đúng là sau chuyến đi ấy, bạn tôi khá hời nhờ vụ buôn lậu gạo đó.

3.
Những năm 1985-1989, chứng kiến cảnh cha mẹ nợ nần triền miên vì đầu tháng đã tạm ứng lương trước, cuối tháng phải trả nợ, tôi bàn với cha phải nuôi heo, trồng rau như mọi người xung quanh để trả nợ. Tôi tận dụng sân bỏ hoang trước nhà để cuốc đất trồng rau lang, rau muống… Không có tiền mua heo, tôi mua thiếu và năn nỉ người bán khi nào bán heo sẽ trả tiền sau. Thế là chúng tôi biến một phần nhà ở thành chuồng nuôi heo, biến sân chơi thành ruộng rau, biến hồ bơi thành nơi nuôi cá…

Dẫu không ý thức được là mình đang xây hay phá nhưng trước mắt thấy mừng vì có chút tiền để trả nợ và đỡ phải chạy ăn từng bữa. Lúc ấy không chỉ nhà tôi mà đâu đâu cũng thấy phong trào “người người nuôi heo, nhà nhà nuôi cá”, nhiều nhà ở mãi trên tầng 4 cũng nuôi heo, khiến TP chẳng khác một vùng nông nghiệp trọng điểm.

Đang gồng mình vật lộn với bao khó khăn thời bao cấp thì “mặt trời đổi mới” đã đem ánh sáng đến xua tan nghèo đói, tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng cuộc sống mới hôm nay. 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục