Nhớ lời Bác Hồ dặn khi đi bầu cử

Kể từ ngày đất nước độc lập, dân ta được làm chủ vận nước và từ ngày đó đến ngày 22-5-2016 này, dân ta đã 14 kỳ đi bầu cử Quốc hội để chọn những người đủ đức, đủ tài lo gánh vác việc dân, việc nước, việc cơ nghiệp non sông. Và cứ mỗi kỳ bầu Quốc hội, toàn dân ta lại bồi hồi xúc động nhớ về những lời căn dặn của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của mình - người đã mang lại nền độc lập và cho ta được hưởng dụng quyền dân chủ.
Nhớ lời Bác Hồ dặn khi đi bầu cử

Kể từ ngày đất nước độc lập, dân ta được làm chủ vận nước và từ ngày đó đến ngày 22-5-2016 này, dân ta đã 14 kỳ đi bầu cử Quốc hội để chọn những người đủ đức, đủ tài lo gánh vác việc dân, việc nước, việc cơ nghiệp non sông. Và cứ mỗi kỳ bầu Quốc hội, toàn dân ta lại bồi hồi xúc động nhớ về những lời căn dặn của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của mình - người đã mang lại nền độc lập và cho ta được hưởng dụng quyền dân chủ.

Năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhân dân ta được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”; cuộc “Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”; cuộc Tổng tuyển cử thể hiện sức mạnh của toàn dân Việt Nam ta đã đoàn kết chặt chẽ, để chống bọn thực dân và đã tranh được quyền độc lập. Đó là niềm vinh quang, tự hào mà Bác Hồ đã mang lại cho toàn thể dân ta. Và ngày 22-5-2016 này, dân ta vừa vui sướng kỷ niệm lần thứ 126 ngày sinh Bác Hồ kính yêu, vừa thực hiện quyền dân chủ của mình để bầu Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Hà Nội về kết quả kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa II tại Nhà hát Nhân dân (tối 10-5-1958). Người đã trả lời một số câu hỏi của cử tri Hà Nội quanh vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta

Nếu cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên vào ngày 6-1-1946, “Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ/Kiên quyết chống bọn thực dân/Kiên quyết tranh quyền độc lập” (1), như lời Bác Hồ đã chỉ cho quốc dân ta rõ; thì cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV này diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức thuận lợi: đất nước đã đi qua 30 năm cuộc đổi mới. “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (2). Đất nước đang phấn đấu cho sự nghiệp mà Bác Hồ đã chỉ ra: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi, máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm ngàn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có máy phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà, là con đường ấm no thật sự của nhân dân” (3). Đó là những bước đường đi của nước nhà mà Bác Hồ đã chỉ cho chúng ta từ những năm 60 của thế kỷ XX. Dân tộc ta đã đủ thế và lực đã 10 năm nay cùng thế giới tiến vào sân chơi chung một nền kinh tế toàn cầu. Đây là thời cơ lớn nhất cho dân tộc ta thoát khỏi thân phận một nước nghèo, kém phát triển.

Nhưng cuộc bầu cử Quốc hội lần này vào lúc cuộc chiến cam go chống “giặc nội xâm”, “giặc quốc nạn”, “giặc trong lòng”, loại giặc quan liêu, tham ô, lãng phí, tham nhũng ở một bộ phận người có chức, có quyền đã biến chất đang làm băng hoại đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc, đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, của sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào chế độ. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này là sự sáng suốt của quốc dân lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có sự “quyết tâm, trí tâm và đồng tâm” để “ra sức mưu hạnh phúc cho đồng bào… Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc”, thực sự là cơ quan quyền lực tối cao thi hành quốc sự của ý Đảng đã quyết, lòng dân đã đồng, kiên quyết, kiên trì tiêu diệt giặc tham nhũng.

Một thực tế của cơ quan quyền lực: trong Quốc hội vừa qua những đại biểu Quốc hội nói lên được tiếng nói của dân còn hết sức ít. Một số đại biểu Quốc hội cả khóa không hề nêu một ý kiến gì lại vẫn tái cử. Có những đại biểu Quốc hội là đảng viên lãnh đạo đều tìm mọi cách né tránh không phát biểu, rất ngại va chạm thành dĩ hòa, vi quý, một nguyên nhân giản đơn họ chỉ cốt giữ ghế cho mình. Người đại biểu của dân phải là người gần dân, giữ được mối quan hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Những nhiệm kỳ qua đã có không ít đại biểu quên mất lời hứa với cử tri khi tham gia bầu cử dẫn đến tình trạng sau bầu cử đại biểu Quốc hội và các cử tri đã bầu mình không còn liên hệ với nhau nữa.

Vì vậy, cầm lá phiếu để bầu người đại biểu cho mình vào Quốc hội lần này, cử tri ta hãy: nhớ thật rõ điều Bác đã căn dặn: “Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”; “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” (4); Và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XII “kiên quyết không đưa vào Quốc hội những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”.

Ngày 22-5-2016 này, cũng như ngày 6-1-1946, Bác Hồ đã mong chúng ta “Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”, bởi thế Người khuyên nhủ rằng: “Không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (5). Cũng như điều mong của Bác vào lá phiếu của cử tri mỗi khi đi bầu Quốc hội: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri. Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lịch sử chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình” (6).

Làm theo được điều Bác Hồ đã dạy trên đây thì tin rằng dân ta sẽ chọn được, chọn đúng những đại biểu Quốc hội khóa XIV thực sự đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, có tâm huyết, có bản lĩnh, lúc nào cũng tận tình, hết lòng vì dân, lúc nào cũng bênh vực quyền lợi chính đáng của dân, phấn đấu cho lợi chung, lợi nước để Quốc hội khóa XIV thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, của dân ta. Cử tri mong muốn và kỳ vọng vào những đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV, mở đầu nhiệm kỳ đúng vào năm mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, với trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi trở ngại thử thách, đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để đất nước Việt Nam trong năm bầu Quốc hội 2016 này và cho cả những năm tiếp theo bao giờ cũng là: “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/Năm nay là năm rất vẻ vang”, như lời Bác Hồ đã chúc và mong chờ từ năm bầu Quốc hội đầu tiên của nước nhà

-----------------
Hồ Chí Minh toàn tập. NXBCTQG HN 1996.
T4: (1) tr.145; (4) - (5) tr. 147;
T10: (3) tr. 40 ; (5) tr. 130 - 131 ;
(2) Di chúc

TS Trần Viết Hoàn
(Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ)

Tin cùng chuyên mục