Những phụ nữ khuyết tật vượt qua số phận: Tìm hạnh phúc trong nghịch cảnh

Những phụ nữ khuyết tật vượt qua số phận: Tìm hạnh phúc trong nghịch cảnh

Đang tuổi thanh niên phơi phới, chỉ sau một cơn bệnh, cuộc đời Phan Thúy Phượng như rơi xuống vực thẳm bởi đôi mắt cô đã bị mù vĩnh viễn. Cô Nguyễn Hướng Dương bị mất cả hai chân sau một vụ tai nạn. Đặc biệt, Trương Mỹ Quyên khi sinh ra đã không có bàn chân, bàn tay do di chứng chất độc da cam… Họ là 1 trong 103 phụ nữ khuyết tật nhưng vẫn kiên trì học tập, nỗ lực làm việc vì hạnh phúc của mình và vì cộng đồng… Họ là những tấm gương mà Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Báo Phụ nữ TP tuyên dương sáng 28-11.

Vì mình, vì người...

Những phụ nữ khuyết tật vượt qua số phận: Tìm hạnh phúc trong nghịch cảnh ảnh 1

Đại biểu phụ nữ khuyết tật đến dự buổi lễ tuyên dương. Ảnh: V.D.

Trông từ xa khán phòng, không ai nghĩ ca sĩ Tô Thị Thanh Thủy Tiên là một người không bình thường. Dáng cô đẹp, rất đẹp trong chiếc áo dài ôm sát người, càng đẹp hơn khi cô cất tiếng hát, đầm ấm, cao vút với những bản nhạc Trịnh nồng nàn, yêu thương.

Thế nhưng người con gái đẹp ấy đã từng có lúc muốn tìm đến cái chết để chấm dứt tất cả, để không còn mặc cảm tự ti vì sự tật nguyền. Bốn tuổi, Thủy Tiên bị chứng bệnh “cam tẩu mã” (môi dính vào lợi) và dù đã qua 10 lần phẫu thuật vẫn không thể trở lại bình thường, đôi môi biến dạng, nụ cười cũng méo mó theo.

Khi vượt qua được khủng hoảng của bản thân, Thủy Tiên đã tìm được cho mình một động lực và niềm hạnh phúc khác: kiên trì tập hát, kiếm tiền để lo cho đứa em bé bỏng mới 5 tuổi.

Giờ đây, tại buổi lễ tuyên dương, Thủy Tiên tự tin nói rằng cô đang hạnh phúc, hạnh phúc vì giọng hát của cô đã được nhiều khán giả chấp nhận và yêu quý, hạnh phúc vì đứa em gái bé bỏng ngày nào đã bước chân vào giảng đường của Trường Cao đẳng Văn hóa du lịch Sài Gòn.

Dường như khi đồng cảnh ngộ, người ta càng dễ gần nhau hơn. Đó cũng là điều mà các chị đã tâm sự. Khi làm sách nói cho người mù, mở lớp dạy thêu miễn phí cho người khuyết tật (NKT) hay dạy tin học cho người khiếm thị, các chị Nguyễn Hướng Dương, Huỳnh Huệ Liên (bị liệt hai chân từ nhỏ), Phan Thúy Phượng không chỉ nghĩ đến một cái nghề nuôi sống bản thân, mà còn là sự cảm thông, chia sẻ với những người bất hạnh không có điều kiện để vượt qua.

Còn các chị Ngô Thị Nhung (bị tai nạn mất một chân, đạt nhiều thành tích trong thể thao dành cho NKT), Huỳnh Lệ Nga (bị gù lưng, dị tật một chân) thì lại chọn cách tích cực tham gia công tác xã hội, hỗ trợ những NKT ở địa phương, ở hội)... Khi được hỏi, các chị đều trả lời rất thật: Muốn được làm cái gì đó cho những người không may mắn như mình, đó cũng là hạnh phúc…

Cần có một niềm tin

Là người phụ nữ, lại là khuyết tật, con đường tìm kiếm hạnh phúc, nuôi dạy con cái của các chị lại càng khó trăm bề. Khi lập gia đình, Trương Mỹ Quyên vẫn không nghĩ mình sẽ có em bé và chăm sóc nó thế nào. Rồi chị cũng sinh con, bé 5 tháng tuổi, người mẹ không có hai bàn tay, hai bàn chân ấy mới dám bế con lần đầu. Rồi sau đó là cho con ăn, tắm con, dạy con học… chị đều làm được.

Còn mong ước lớn nhất của chị Nguyễn Kim Sa và chồng là một lần được nhìn thấy mặt con trai bé bỏng vì cả hai anh chị đều bị mù. Trong ngôi nhà nhỏ của anh chị ở quận Gò Vấp không lúc nào thiếu tiếng cười, cậu con trai bé bỏng của anh chị nhiều năm là học sinh giỏi và vẫn không ngừng nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ để chữa trị cho cha mẹ…

Nhìn nhận từ chính cuộc sống của mình, chị Quyên tâm sự thật lòng: Để vượt qua nghịch cảnh, NKT cần có một niềm tin, và để tìm kiếm, giữ được hạnh phúc, càng phải nỗ lực gấp đôi. Con đường đi đến hạnh phúc mênh mông như biển cả, nếu không nỗ lực bơi sẽ bị nhấn chìm ngay…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa không giấu được xúc động khi nói về các chị. Bà khẳng định: “Các chị đã thắp lên một ngọn lửa nồng ấm cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng, trở thành tấm gương sống để người khác và cho chính tôi học tập, phấn đấu…”. 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục