Newton vẫn còn sống ư? Một website tin tức đã chạy dòng tít lớn ngay trang nhất như vậy để nói về cậu bé 16 tuổi người Đức gốc Ấn Độ gây sốc cả thế giới khi tìm ra câu trả lời cho bài toán 350 năm tuổi của thiên tài toán học Isaac Newton.
Không tin không có lời giải
Hơn 300 năm trước, nhà bác học Newton từng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào con người có thể tính toán chính xác quỹ đạo của một vật thể di chuyển trong không khí? Những vật di chuyển trong không khí chịu tác động của cả lực hấp dẫn lẫn lực cản của không khí nên tính toán quỹ đạo của chúng là việc cực khó.
Đến cuối tháng 5-2012, Shouryya Ray, tên của cậu bé giờ được báo chí mệnh danh là thiên tài, đã giải được 2 lý thuyết động lực học phân tử cơ bản, giúp các nhà khoa học có thể tính toán được đường bay của một quả bóng khi được ném đi và dự đoán bóng sẽ đập vào tường và bật trở lại như thế nào. Để tính toán được như Ray, các nhà vật lý chỉ biết nhờ vào các máy tính hiện đại.
Ray cho biết ý tưởng giải bài toán khó của Newton xuất hiện trong một chuyến đi thăm Đại học Dresden, khi các giáo sư của Ray cho biết họ không có cách nào tìm ra được đáp án. Khi xem kỹ lại các lý thuyết trên, Ray nhận ra rằng cách tính toán hiện nay không thể cho một kết quả chính xác và cậu quyết định giải bài toán khó. “Tôi tự hỏi rằng: tại sao không nhỉ? Tôi không tin sẽ không có câu trả lời” - Ray kể lại.
Theo báo chí Đức, Ray đam mê toán học từ bé. Người truyền cảm hứng cho Ray chính là cha cậu bé, ông Subhashis Ray, một kỹ sư làm việc tại Đại học Công nghệ Freiburg, Đức. Ray cho biết ngay khi cậu lên 6, cha cậu đã dạy cậu những bài toán khó. Ray đã bắt đầu giải các phương trình phức tạp từ năm này. Chính nhờ khả năng này, Ray đã giành giải nhất trong một cuộc thi khoa học trẻ ở bang Saxony và về nhì trong cuộc thi về lĩnh vực toán tin cấp quốc gia. Sau khi đến Đức học được 4 năm, các thầy giáo của Ray phát hiện ra cậu rất thông minh và cho cậu đặc cách học vượt 2 năm. Sắp tới, cậu bé sinh năm 1996 tại Koltaka sẽ thi tốt nghiệp trung học khi mới 16 tuổi.
Tuy nhiên, tờ The National của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cho biết, các nhà vật lý học trên thế giới không hề tung hô Ray, phản ứng rất thận trọng. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng thành công của Ray khá đáng ngờ.
Sức hút từ phóng xạ
Năm 2011, ở tuổi 17, chàng trai Taylor Wilson đã là cố vấn các chiến thuật chống khủng bố của Cơ quan An ninh nội địa Mỹ, điều phối viên Cơ quan Nghiên cứu năng lượng phản ứng nhiệt hạch Mỹ. Theo hội những kỷ lục thế giới, Taylor Wilson là nhà khoa học hạt nhân trẻ tuổi nhất thế giới. Năm 2008, chàng trai sinh năm 1994 đến từ bang Nevada đã khiến cả nước Mỹ sững sờ khi tự tay hoàn thành một lò phản ứng hạt nhiệt hạch. Khi đó, Wilson mới 14 tuổi. Cậu đã trở thành người thứ 32 trên thế giới tự tạo ra một lò phản ứng hạt nhân.
Người thân của Wilson cho hay ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã tỏ ra đam mê khám phá khoa học. Theo như Wilson bộc bạch, không hiểu vì lý do gì phóng xạ luôn hấp dẫn cậu. “Rất có thể đó là do sức mạnh của các nguyên tử, sức mạnh khi giải phóng cái mà bạn không thể thấy” - Wilson cho biết. Chính vì niềm đam mê đã ăn vào máu đó, năm lên 7 tuổi, Wilson đã đọc và biết hết các loại tên lửa do Mỹ và Liên Xô chế tạo từ những năm 1930. 10 tuổi, Wilson đã tự chế tạo bom.
Tháng 5-2011, Wilson lại được giới khoa học để mắt đến khi công bố dự án máy dò tìm phóng xạ, một công cụ sẽ giúp Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống lại khủng bố hạt nhân. Dự án này cũng giúp cậu vượt qua 1.500 đối thủ, trở thành người đứng đầu cuộc thi kỹ sư và khoa học quốc tế của Intel.
Kristina Johnson, người từng làm việc với Wilson khi còn là Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, cho biết cô chưa bao giờ gặp một cậu bé nào thông minh, tài năng như Wilson. Một câu chuyện được một tờ báo Mỹ kể lại đã minh chứng cho trí tuệ phát triển hơn người của Wilson.
Năm lên 9 tuổi, Wilson cùng cha đến tham quan Trung tâm tên lửa và vũ trụ tại Huntsville, Alabama. Một hướng dẫn viên trẻ tuổi giới thiệu về tên lửa đẩy Saturn V đưa người Mỹ lên Mặt Trăng cho nhóm du khách, trong đó có 2 cha con Wilson. Sau khi hướng dẫn viên kết thúc bài giới thiệu, cánh tay của Wilson giơ lên. Tuy nhiên, thay vì thắc mắc, đặt câu hỏi, Wilson đã xin phép chia sẻ thêm những kiến thức của mình về tên lửa đẩy: quá trình tạo ra Saturn V, vận tốc khí xả qua ống đẩy, tỷ lệ tải trọng, ưu nhược điểm của nhiên liệu lỏng so với rắn... Người hướng dẫn viên và tất cả thành viên trong nhóm tham quan tròn mắt, không thể ngờ được những kiến thức của một chuyên gia lại đang được một cậu bé 9 tuổi giải thích một cách tường tận.
Trí nhớ đáng kinh ngạc
Hội những kỷ lục thế giới còn ghi nhận một hiện tượng xuất chúng khác là Andrew Almazan Anaya. Năm 2011, chàng trai sinh năm 1995 người Mexico đã được biết đến là nhà tâm lý học trẻ tuổi nhất thế giới.
Ngay từ khi còn nhỏ, Andrew đã tỏ ra đam mê các bộ môn khoa học, không chỉ là y học, tâm lý học mà còn địa lý, thiên văn, lịch sử và thậm chí cả triết học. Cha của Andrew, một bác sĩ phẫu thuật, cho biết năm lên 6, cậu đã đọc toàn bộ các tác phẩm của Shakespeare, nhớ nằm lòng cấu trúc xương người và có trí nhớ đáng kinh ngạc. 3 năm sau, một tin không vui đã ập đến với gia đình Andrew khi cậu bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn thiếu tập trung. Các bạn bè cùng trường bắt đầu cô lập cậu bởi cho rằng cậu lập dị. Tình thế buộc cha mẹ Andrew phải để cậu học ở nhà.
Hy vọng của cha mẹ Andrew về một tương lai xán lạn của cậu bé tưởng như đã hết. Tuy nhiên, năm 12 tuổi, Andrew đã lập kỳ tích khiến cả Mexico phải ngỡ ngàng. Cậu bé thi đậu trường đại học Mexico. Năm 2009, khi mới 14 tuổi, Andrew lại trở thành tiêu điểm của công chúng khi cậu vượt qua hàng trăm đối thủ để giật giải quán quân, giải thưởng cho các hoạt động khoa học dành cho độ tuổi từ 14 đến 29.
Sau 5 năm miệt mài học tập, cậu đã trở thành một nhà tâm lý học trẻ tuổi nhất thế giới. Và 2 năm nữa thôi, Andrew sẽ chính thức là một bác sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học Panamericana, nơi cậu học nốt học kỳ thứ 7 của mình. Andrew cho biết trong tương lai gần, cậu sẽ cố gắng tốt nghiệp và tập trung nghiên cứu những em bé có khả năng thiên bẩm và khoa học thần kinh.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)