Sau bức tường xi măng xám xịt của tòa nhà dành cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở một vùng đồi núi Italia, câu chuyện đau lòng của cô gái 19 tuổi người Nigeria Dora bị ngắt quãng bởi những tiếc nấc nghẹn đầy nước mắt. “Em tưởng họ sẽ tìm một việc làm tử tế cho em khi đến Italia. Em đâu biết đó lại là cái nghề ô nhục này”, Dora nói.
Với hy vọng thoát khỏi cảnh cùng cực ở khu vực ngoại ô TP Benin, Nam Nigeria, đầu năm 2015, Dora đã vô tình rơi vào bẫy của một nhóm tội phạm sau khi chúng cam kết đưa cô sang Italia tìm việc làm. Đổi lại, Dora phải ký nhận một khoản nợ trị giá 30.000 EUR. Những kẻ buôn người đưa Dora đến bờ biển Libya rồi từ đây, cô nhập vào dòng người di cư, đánh đổi mạng sống của mình trên những chiếc thuyền ọp ẹp, quá tải để vào Sicily. Và chuỗi ngày cùng cực bắt đầu.
Ước mơ thoát khỏi cảnh cùng cực của Dora tan vỡ
Dora chỉ là một trong số hàng ngàn phụ nữ sa vào bẫy của các nhóm buôn người hàng năm. Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu giờ là miếng mồi béo bở cho các băng nhóm tội phạm. Những người di cư đang bị xâm hại, cưỡng bức trở thành nô lệ thời hiện đại.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thế giới hiện vẫn còn 21 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ, trong đó có 4,5 triệu người bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục. Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh nạn nô lệ là sự lạm quyền cơ bản của con người, là trở ngại lớn cho công bằng xã hội. Ông Ryder cũng khẳng định, đó là một sự sỉ nhục đối với nhân loại và không thể có chỗ đứng trong thế kỷ 21.
Trong tuyên bố đưa ra nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ 2-12, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết, nô lệ thời hiện đại tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trẻ em bị cưỡng ép làm các công việc phục vụ, nông dân tại các trang trại và công nhân tại các nhà máy bị bóc lột sức lao động, cho tới các lao động phải làm việc không lương để trả nợ, hay các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục. Thế giới phải có trách nhiệm đối với những người này và nỗ lực để chấm dứt vấn nạn trên.
Với việc thông qua Chương trình Phát triển bền vững 2030, lãnh đạo thế giới đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ nạn buôn người và lao động cưỡng ép, đồng thời chấm dứt mọi hình thức nô lệ và lao động trẻ em. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng chương trình phát triển này làm lộ trình cho việc “nhổ tận gốc” nạn nô lệ. Song song đó là giúp đỡ đưa những người được giải phóng trở lại hòa nhập cuộc sống bình thường. Ông Ban Ki-moon cũng hối thúc các nước thành viên, các doanh nghiệp, các quỹ tư nhân cũng như những nhà hảo tâm khác thể hiện quyết tâm chấm dứt nạn nô lệ thông qua việc đóng góp, bảo đảm Quỹ tình nguyện LHQ về các dạng thức nô lệ hiện đại có đủ nguồn lực cho các công tác trên.
Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ đánh dấu ngày 2-12-1949 khi Đại Hội đồng LHQ thông qua Công ước LHQ về tiêu diệt nạn buôn người và mại dâm, nhưng hiện nay tình hình bất ổn, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới lại đang “tiếp tay” cho nạn buôn người, đe dọa những nỗ lực xóa bỏ nô lệ của cộng đồng quốc tế. Có lẽ, muốn nhổ được tận gốc nạn nô lệ rất cần phải giải quyết tận gốc xung đột.
MINH CHÂU