Còn 4 tháng nữa là đến ngày 22-4-2007, ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng một. Cho đến lúc này, mặc dù còn nhiều ứng cử viên chưa chính thức tuyên bố tranh cử nhưng bức tranh toàn cảnh về cuộc đua tranh ghế tổng thống Pháp đang dần được hiện rõ.
Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy, người sẽ chính thức được đảng UMP cầm quyền giới thiệu ra tranh cử vào ngày 14-1 tới, sẽ cạnh tranh quyết liệt với bà Ségolène Royal, đại diện đảng Xã hội (PS).
Mọi chú ý giờ đây dồn cả về ông Sarkozy, người hy vọng sẽ có bầu cử vòng 2 như ông đã từng có hồi mùa hè năm 2002. Trước đó, ngày 21-12, UMP đã hoàn thành các vòng diễn đàn về bầu cử tổng thống.
Đây cũng là cơ hội cho ông Sarkozy khẳng định khả năng lãnh đạo và tự khẳng định ông là một ứng cử viên cần thiết của cánh hữu.
Theo giới quan sát, từ khi nắm quyền lãnh đạo đảng UMP, ông Sarkozy luôn cố gắng dân chủ hóa bộ máy hoạt động trong cơ cấu nội bộ đảng với cách chậm rãi và cần mẫn.
Ngay cả cuộc đề cử chính thức diễn ra vào ngày 14-1 tới đây theo ý ông Sarkozy cũng sẽ là cuộc gặp công chúng - khoảng 300.000 người - chứ không phải công việc nội bộ các đảng. Ông Sarkozy cũng đã từ bỏ hình thức tổ chức tranh luận trực tiếp trên truyền hình theo như mô hình của PS, vốn rất được nhân dân ủng hộ.
Ông Sarkozy đã khéo léo vận động đảng của ông từ nhiều tháng nay mà không gặp phải sự cản trở của bất kỳ ứng cử viên nào khác. Ông Sarkozy cũng tránh được sự cạnh tranh thực sự với ứng cử viên chưa công bố chính thức là Bộ trưởng Quốc phòng Michèle Alliot-Marie cũng như các diễn đàn, các chính trường ảo trên mạng.
3 tháng cuối năm 2006, ông Sarkozy đã miệt mài đánh bóng hình ảnh đảng, tranh thủ mọi lúc để lấy điểm trước chính phủ cũng như các chính đảng khác ở trong nước. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ.
Các chuyên gia khẳng định, để được cử tri chọn lựa trong vòng 4 tháng tới, cả cánh tả cũng như cánh hữu nói chung, ông Sarkozy hay bà Royal nói riêng, phải phát huy hết năng lực trong các cuộc tranh luận thực sự về những thách thức tầm cỡ như chính trị, kinh tế, xã hội mà nước Pháp và cả châu Âu đang phải đương đầu.
(Theo Le Monde)
VIỆT KHUÊ