Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ở nước ta hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hoạt động này diễn ra trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao. Vấn đề này nghe rất cũ - nay lại nóng lên trước thời điểm Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Tại cuộc tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) và Tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức tại TPHCM vào cuối tuần qua, các đại biểu tham dự đều khẳng định hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ có nguy cơ khó kiểm soát nếu không quyết liệt thực hiện ngay giải pháp đồng bộ. Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan chức năng cả nước bắt giữ, xử lý đến 95.832 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, tăng 33,98% so với cùng kỳ năm 2014; thu và nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.363 tỷ đồng; khởi tố 699 vụ với 819 đối tượng. Điều dễ nhận thấy, cứ hễ hàng hóa nào được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng nhái xuất hiện. Trong đó, các mặt hàng tân dược, thực phẩm chức năng, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo… được làm giả nhiều nhất.
Nhưng có một vấn đề rất đáng quan ngại, đó là một bộ phận người tiêu dùng đã chấp nhận hàng giả, hàng nhái. Theo nhận định của Thanh tra Bộ KH-CN, có đến khoảng 90% người tiêu dùng Việt Nam biết mình đang sử dụng các loại hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận. Tất nhiên, con số 90% này cần được thống kê một cách chính xác và khoa học, nhưng ở chừng mực nào đó, dễ thấy người tiêu dùng Việt vẫn đang rất dễ dãi trong việc “xài” hàng giả. Các nơi buôn bán hàng nhái, hàng giả cứ mọc lên như nấm, công khai buôn bán hàng giả mà chẳng thấy ai kiểm soát. Không đâu xa, ngay tại nhiều cửa hàng lớn, thậm chí có cả siêu thị ở TPHCM, cửa hàng bán giày dép, quần áo, túi xách nhái (hàng fake) vẫn lộ mặt giữa ban ngày.
Hàng giả ngày càng tinh vi, bên cạnh đó, các quy phạm pháp luật còn chồng chéo, trùng lắp; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu số lượng, nội dung chưa đầy đủ, có nhiều kẽ hở dẫn đến các đối tượng vi phạm lợi dụng. Cái thu được không nhiều, nhưng cái mất đã rành rành trước mắt. Đó là việc làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhiều trường hợp doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, xuất khẩu hàng hóa bị chèn ép, làm giá… do tâm lý e ngại hàng gian, hàng kém chất lượng bởi các bạn hàng nước ngoài.
Rõ ràng, hàng giả, hàng nhái có đất sống không phải chỉ phụ thuộc riêng vào nhà sản xuất hay riêng người tiêu dùng. Việc “triệt tiêu” mặt hàng này cũng không thể chỉ mãi trông chờ vào các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường. Suy cho cùng, ý thức của người tiêu dùng vẫn là then chốt nhất. Trong đó, việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân do các cơ quan báo chí, truyền thông giữ vai trò quan trọng. Các cơ quan báo chí, truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để lên án những sai phạm, định hướng cho người tiêu dùng, đồng hành cùng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong cuộc chiến này.
NGUYỄN TƯỜNG