(SGGO). – Sáng nay, 21-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế. Về bảo hiểm y tế cho nông dân – đối tượng đang chiếm 80% dân số, hầu hết là người nghèo và cận nghèo - nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị: Nhà nước cần hỗ trợ một phần để người nông dân tham gia BHYT nhằm thực hiện chính sách phúc lợi xã hội đối với nông dân, và quy định cụ thể Nhà nước hỗ trợ 40% cho nông dân tham gia BHYT.
Nhất trí với quan điểm này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong nhiều năm thực hiện thí điểm BHYT, khó khăn nhất vẫn là triển khai BHYT cho nông dân. Mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi..., song vẫn còn hàng chục triệu nông dân, đặc biệt là nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp chưa có cơ hội tham gia BHYT.
Theo quy định của dự thảo Luật BHYT, nếu người nông dân tham gia BHYT với mức đóng tối đa bằng 6% mức lương tối thiểu (hiện nay tương đương khoảng 350.000 đ/năm/người), thì đây là mức đóng khá cao so với thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn hạn chế và tránh bao cấp tràn lan nên chỉ tập trung hỗ trợ người nông dân làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình và giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ mức đóng BHYT để bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng cho rằng, trong Luật không nên quy định tỷ lệ hỗ trợ cụ thể mà nên giao cho Chính phủ điều hành linh hoạt, bởi khảo sát của thực tế cho thấy, có nơi đề nghị hỗ trợ từ 30-70% mệnh giá bảo hiểm, có nơi còn đề nghị hạ mệnh giá để tạo điều kiện cho người dân tham gia sớm hơn BHYT toàn dân, chứ không chờ đến năm 2014 như lộ trình đề xuất trong Luật.
Tuy nhiên, ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) cho rằng, quy định mức BHYT cho nông dân cần được ghi rõ trong Luật, và nên để ở mức 40% để tránh thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Bà Trương Thị Mai cũng cho biết: Về quy định cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, dự thảo Luật quy định 3 mức cùng chi trả: 0%, 5% và 20% tùy theo đối tượng ưu tiên, ví dụ nhóm người có công với cách mạng được miễn cùng chi trả, hoặc theo Luật Công an nhân dân và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, việc khám bệnh, chữa bệnh cho sĩ quan, chiến sỹ công an; khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi không mất tiền, do đó 2 nhóm đối tượng trên cũng phải miễn việc cùng chi trả. Với một số đối tượng khác, việc quy định cùng chi trả ở mức 5%, 20% là phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi nhóm.
Tán thành với quy định này nhưng nhiều ĐB đề nghị bổ sung thêm đối tượng được miễn đóng BHYT, gồm: người tàn tật nặng (phần lớn rơi vào các gia đình nghèo) và cán bộ chuyên trách cấp xã (cấp phó ở cơ sở, không thuộc đối tượng hưởng lương cán bộ công chức).
ANH NHI