Nhân sự kiện Công ty Cổ phần Cung ứng Lao động và May mặc Tường Vân (Tuongvan MaxGarmex) triển khai chuỗi dự án - đặc biệt là việc đầu tư, mở khu công nghiệp ở Canada - chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Trương Thị Tường Vân - nữ doanh nhân với những quyết sách táo bạo.
- PV: Được biết, bà là người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và nay gặt hái nhiều thành công. Bà có thể chia sẻ về buổi đầu bước vào thương trường?
Bà Trương Thị Tường Vân: Tôi sinh ra trong gia đình đông con ở mảnh đất nghèo Quảng Ngãi. 14 tuổi, tôi khăn gói vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai và tự kiếm tiền thực hiện ước mơ đèn sách. Tôi làm đủ thứ nghề, lăn lộn ở mọi ngõ ngách như bán bánh mì dạo... Lúc đầu, tôi mong mình trở thành cô giáo và nỗ lực thi đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Nhưng cuộc sống thật thú vị, mở ra những cơ hội và niềm đam mê mới khi tôi có dịp tiếp xúc với xưởng may gia công của gia đình người bạn. Tôi bị hút vào không cưỡng nổi và bắt đầu hình thành những ý tưởng táo bạo với nghề may. Từ học nghề, gom góp, vay mượn những đồng vốn mở xưởng nhỏ cho riêng mình đến tìm kiếm hợp đồng và bước vào thương trường, tôi đều làm bằng tất cả nhiệt huyết, thử thách của tuổi trẻ.
- Và bà đã thành công ngay từ ban đầu?
Không! Thiếu kinh nghiệm mọi mặt nên tôi bị đối tác gạt và phải đóng cửa xưởng may nhưng thành công lớn nhất tôi có được là những bài học quý giá để bắt đầu lại bài bản hơn.
- Nhưng thương trường là chiến trường, liệu kinh nghiệm có giúp bà hạn chế được rủi ro?
Sau khi gầy dựng lại, với những đơn hàng xuất khẩu sang Liên Xô (cũ), công ty mạnh dần lên nhưng tôi nhìn thấy rủi ro quá lớn khi phải xuất theo dạng ký gửi. Dự cảm ấy thành sự thật - bạn hàng ép giá! Phải sang tận nơi thu xếp, tôi nhận ra tiềm năng lớn nên quyết định mở xưởng may, cung cấp hàng trực tiếp cho thị trường Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, tôi về nước.
Tôi nghĩ nghề này nhu cầu xã hội cần, đồng vốn quay vòng nhanh và hơn hết đó là đam mê. Thương trường lúc thăng lúc trầm nhưng điều cơ bản là mình có đủ nhẫn nại và sáng suốt trong lĩnh vực lựa chọn đầu tư hay không. Kinh nghiệm cũng giúp tôi tìm ra bí quyết “Không sắp trứng vào một rổ” và chú trọng khai thác thị trường mới. Công ty bắt đầu củng cố, xây dựng hệ thống may vệ tinh, tiếp cận thị trường Mỹ và Canada bằng việc mở hẳn công ty điều hành tại các nước sở tại.
- Lý do nào bà lấn sân sang những lĩnh vực đầu tư khác?
Công ty luôn xác định phải làm những thứ mà mọi người cần. Chúng tôi không chỉ làm ăn ở thị trường Mỹ, Canada mà muốn ổn định về mặt nhân sự, nơi ăn, chốn ở. Trong những lần đi lo những thứ cho công ty mình, tôi nhận ra cơ hội đầu tư. Vì vậy, tôi đi đến quyết định mở khu công nghiệp, rất may, chính quyền Canada rất ủng hộ nên thủ tục pháp lý về 15ha đất của chúng tôi tiến hành rất nhanh.
- Đang được chào đón ở các nước, lý do nào bà lại trở về đầu tư ở Việt Nam, hay đó là bí quyết: “Không sắp trứng vào một rổ”, thưa bà?
Trở về đầu tư ở Việt Nam là sự tri ân mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng và giúp tôi trưởng thành. Dẫu có bôn ba thì không đâu bằng quê mình, có điều kiện đầu tư và giúp quê hương giàu mạnh - đó là tâm nguyện và hạnh phúc của đời tôi.
- Xin cảm ơn bà!
| |
Quý An thực hiện