Nước mắt và sự trở về

Khi những hình ảnh cuối cùng của cánh đồng quê xanh mướt hiện lên trong Dạ cổ hoài lang cũng là lúc câu hát Đi thật xa để trở về/Có một nơi để trở về đi đi để trở về... vang lên. Khán phòng nhiều người cố gắng nán lại thật lâu, xem trọn những dòng chữ cuối cùng trên màn hình và suy nghĩ...  

Khi những hình ảnh cuối cùng của cánh đồng quê xanh mướt hiện lên trong Dạ cổ hoài lang cũng là lúc câu hát Đi thật xa để trở về/Có một nơi để trở về đi đi để trở về... vang lên. Khán phòng nhiều người cố gắng nán lại thật lâu, xem trọn những dòng chữ cuối cùng trên màn hình và suy nghĩ...  

Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh dựa trên kịch bản vở kịch cùng tên của tác giả Thanh Hoàng. Phim khá trung thành với kịch bản gốc và chỉ có những thay đổi nho nhỏ nhằm phù hợp với sự phát triển đường dây câu chuyện điện ảnh. Chuyện phim xoay quanh chuyện đời của ông Tư Lành (Hoài Linh) và ông Năm Triều (Chí Tài), hai người bạn thân từ thời trẻ trâu, hai tình địch và giờ là hàng xóm cùng cảnh ngộ trên đất Mỹ. Họ sống trong những ký ức tuyệt đẹp của ngày xưa giữa nghịch cảnh hiện tại, mong mỏi của họ là kết nối lại những đứa con xa quê trở về nguồn cội.

Ấn tượng đầu tiên về Dạ cổ hoài lang, đó là một bức tranh tương phản, đối lập. Phim mở màn với bối cảnh nước Mỹ năm 1995 trong khung trời tuyết trắng xóa, nhân vật trung tâm là một ông già co ro trong tuyết lạnh. Hình ảnh ấy không chỉ tác động thị giác rất mạnh, mà nó còn thức tỉnh các giác quan khác nơi người xem, dẫn dắt khán giả vào sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Khung cảnh tuyết trắng ảm đạm trải dài khắp bộ phim, trở thành nhân vật dù không một câu thoại nhưng đầy sức ám ảnh. Đối lập với nó là bức tranh làng quê Việt với những cánh đồng lúa xanh mướt, con đường với bờ tre rợp bóng mát, cầu khỉ kẽo kẹt bắc qua sông... Thủ pháp đối lập góp phần làm bật lên sự đối nghịch của hoàn cảnh. Ngày xưa trong trẻo, êm đềm và đầy chất thơ, tình người bao nhiêu thì hiện tại khắc nghiệt, dữ dội và lạnh lẽo bấy nhiêu.

Nhưng, đối lập về hoàn cảnh không thể sánh với sự khác biệt về thế hệ và văn hóa. Ông Tư Lành và đứa cháu nội duy nhất dù cùng mang trong mình dòng máu Việt Nam nhưng hơn một lần, nó dọa sẽ gọi police (cảnh sát) đến bắt ông vì bị “cưỡng đoạt” quyền riêng tư cá nhân. Cô bé không ngại thổ lộ rất “sợ” chính ông nội mình, không cảm được tình thân gia đình. Sinh ra ở những thời đại và đất nước khác nhau, lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau khiến những người thân thiết nhất đã không thể hiểu nhau, nảy sinh những mâu thuẫn sâu sắc. Câu hỏi “Quê hương là gì?” được cô bé nói ra rất tự nhiên nhưng đầy day dứt.

Vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần từ vở kịch, các thủ pháp, kỹ xảo điện ảnh giúp bộ phim tác động đa chiều hơn. Không thể không ghi nhận sự kỳ công của đoàn phim với nhiều chuyến đi khắp Việt Nam, đặc biệt là Canada, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để tìm, chờ đợi các cảnh tuyết rơi nhằm có những cảnh quay chân thật nhất. Phải đặt để những số phận của ông Tư Lành, Năm Triều, hai bố con Mỹ Tâm... vào đúng bối cảnh ấy mới thấy sức nặng của câu chuyện.

NSƯT Hoài Linh trong Dạ cổ hoài lang

Một điểm cộng khác đến từ âm nhạc, khi Giám đốc âm nhạc Đức Trí đã “thiên biến vạn hóa” ca khúc Dạ cổ hoài lang khi nỉ non, tỉ tê lúc lại đầy dữ dội.  NSƯT Hoài Linh cho biết, vai ông Tư Lành trong phim là vai mà anh kỳ vọng và rất tâm đắc. Nhiều năm bôn ba nước ngoài, từng hóa thân vào nhân vật này trên sân khấu kịch nên không ngạc nhiên khi anh thực sự rút ruột cho vai diễn. Hoài Linh cũng có màn tung hứng ăn ý cùng bạn diễn Chí Tài, đủ để khán giả cười và cũng đủ khiến khán giả rơi nước mắt. Màn “song kiếm hợp bích” của cả hai trở thành sợi dây xuyên suốt câu chuyện. Sự tròn trịa cũng là điểm đáng ghi nhận trong ê kíp diễn viên, trong đó, không thể không nhắc đến vai diễn của cô cháu gái Mỹ Tâm (Trish Lê) hay người bố tên Nguyễn (Johnny Văn Trần) do các diễn viên gốc Việt thủ diễn.

Một câu hỏi đặt ra, Dạ cổ hoài lang có phải là một bộ phim hoàn hảo? Câu trả lời chắc chắn là không. Khán giả vẫn chờ đợi ở những cao trào cần được đẩy lên mạnh mẽ, dữ dội hơn, để bóp nghẹt trái tim người xem. Chi tiết ông bố đọc lại cuốn nhật ký trở thành nút thắt nhưng có chút gì đó gượng gạo, chỉ lời nói thôi chưa đủ đạt sức nặng như mong đợi. Thêm vào đó, nửa đầu bộ phim, phần chuyển cảnh giữa thực tại và quá khứ cần hơn nữa sự mượt mà, uyển chuyển để tạo nên chất kết dính cảm xúc. Bối cảnh và những ký ức làng quê tuy dung dị nhưng chỉ dừng ở mức độ đèm đẹp.

Dạ cổ hoài lang chắc chắn sẽ lấy nước mắt của một bộ phận không nhỏ khán giả, nhất là những người đồng cảnh ngộ. Đi là để trở về, thông điệp ý nghĩa và nhẹ nhàng. Trở về bằng chính sự bao dung và vị tha của quê hương, nguồn cội và sự thấu hiểu. Trở về để sống dậy những ký ức cũ tươi đẹp, xóa nhòa những hận thù trong lòng. Tiếng đàn trong bài Dạ cổ hoài lang vang lên cũng chính là tiếng vọng sâu lắng từ tâm hồn của “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục