Ô nhiễm tại Trung Quốc - Nguy cơ thiếu lương thực

Thiếu hụt lương thực đã trở thành mối bận tâm lớn của giới khoa học Trung Quốc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài tại khu vực phía Bắc nước này. Đã xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng, việc khắc phục ô nhiễm môi trường sẽ trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính tại Quốc hội Trung Quốc trong phiên họp diễn ra vào tuần tới.
Ô nhiễm tại Trung Quốc - Nguy cơ thiếu lương thực

Thiếu hụt lương thực đã trở thành mối bận tâm lớn của giới khoa học Trung Quốc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài tại khu vực phía Bắc nước này. Đã xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng, việc khắc phục ô nhiễm môi trường sẽ trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính tại Quốc hội Trung Quốc trong phiên họp diễn ra vào tuần tới.

        Cảnh báo đám mây hạt nhân

Xuất hiện trở lại từ trung tuần tháng 2, những đám khói mù khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và 6 tỉnh miền Bắc Trung Quốc đã lên tới mức báo động, vượt quá ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế thế giới khoảng 100 lần. Tình trạng ô nhiễm đã chuyển từ mức “nguy hiểm” sang mức “rất có hại cho sức khỏe”. Chỉ số đo lường PM2.5 (hạt tiêu chuẩn có đường kính 2,5 micromét) trong không khí ở một số khu vực của Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang đạt mức 1.000, đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi và máu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ung thư phổi tăng gần 400% tại một số địa phương có tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, từ năm 2007, ô nhiễm đã gây thiệt hại tương đương 5% GDP của Trung Quốc khi tỷ lệ người dân chết sớm, chi phí chăm sóc sức khỏe và các thiệt hại vật chất khác tăng chóng mặt. Ô nhiễm giết chết khoảng 700.000 người dân Trung Quốc mỗi năm.

Ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc ảnh hưởng đến vụ mùa sản xuất.

Ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc ảnh hưởng đến vụ mùa sản xuất.

Giới chuyên gia cảnh báo hiện tượng này sẽ gây ra “mùa đông hạt nhân”. Đây là giả thuyết liên quan đến sự thay đổi khí hậu mà các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra vào những năm 1980. Giả thuyết cho rằng, chiến tranh hạt nhân sẽ tạo thành những đám mây bụi và khói lớn, ngăn cản ánh sáng Mặt trời, làm giảm nhiệt độ bề mặt Trái đất trong khoảng thời gian dài. Phó Giáo sư Trường Đại học nông nghiệp Trung Quốc, bà Đổng Thiên Tân chứng minh rằng không khí ô nhiễm tại Trung Quốc hiện nay đã làm giảm 50% lượng ánh sáng chiếu xuống mặt đất, cản trở quá trình quang hợp của cây xanh, đặc biệt là các loại cây cung cấp lương thực cho quốc gia tỷ dân này. Thí nghiệm được tiến hành trên một nhóm ớt và cà chua. Một nhóm được trồng dưới ánh sáng nhân tạo trong phòng thí nghiệm, nhóm khác được trồng trong một nhà kính ở vùng ngoại ô Bắc Kinh. Kết quả cho thấy, những giống được trồng trong phòng thí nghiệm chỉ 20 ngày đã nảy mầm, trong khi ở nhà kính phải mất hơn 2 tháng.

Cũng theo nghiên cứu của Trường Đại học nông nghiệp Trung Quốc, sương mù kéo dài khiến đất canh tác của Trung Quốc sẽ khô héo, phát triển kém trong các vụ đông xuân và hè thu, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực của nước này và đẩy giá cả tăng cao, gây ra hiện tượng lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty nông nghiệp đến dự các cuộc họp nghiên cứu về quang hợp và yêu cầu giới chuyên gia tìm gấp giải pháp để khắc phục tình trạng này. Hiện tượng này cho thấy tìm giải pháp để thúc đẩy việc sản xuất lương thực trong bối cảnh ô nhiễm tăng vọt hiện nay đang là vấn đề cấp bách tại Trung Quốc.

        Thách thức nghiêm trọng

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định, việc ngăn chặn ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Bắc Kinh phải đương đầu. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng cảnh báo mức độ nguy hiểm của tình trạng này, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm tại kéo dài tiếp tục đặt ra những câu hỏi về quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý thiệt hại của môi trường, đi kèm với tăng trưởng kinh tế hai con số trong ba thập kỷ.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm cắt giảm khói thải ô nhiễm như yêu cầu các công ty hạn chế sử dụng than đá, chú trọng phát triển năng lượng sạch, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Lý do là việc thực hiện được giao cho các địa phương nhưng để đảm bảo chỉ số tăng trưởng, nhiều lãnh đạo đã “bỏ qua” những quy định này. Biện pháp mạnh tay nhất mới được chính quyền thành phố Bắc Kinh đưa ra là yêu cầu 147 công ty phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất nếu không cắt giảm được lượng phát thải.

Không khí ô nhiễm tại Bắc Kinh

Không khí ô nhiễm tại Bắc Kinh

Theo Tân Hoa xã, bên cạnh chủ trương chống tham nhũng, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng đúng hướng thì cải thiện môi trường nông thôn, chống ô nhiễm để duy trì an ninh lương thực sẽ là các chính sách ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay. Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận ô nhiễm nguồn nước và đất đai do quá trình công nghiệp hóa, cùng với sự lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, đã gây ra hàng loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng tại vùng nông thôn nước này.

Cuộc chiến chống ô nhiễm ở nông thôn cũng là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để đảm bảo đủ đất canh tác, nguồn nước và lực lượng lao động, nhằm cung ứng cho dân số đô thị đang ngày một gia tăng. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã làm thay đổi các thói quen về ăn uống ở Trung Quốc. Tiêu thụ thịt heo, bò, gia cầm cũng bùng nổ. Hàng năm, có hàng triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị. Cuối năm ngoái, khoảng 3,33 triệu hécta đất nông nghiệp Trung Quốc được cảnh báo đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, diện tích ruộng đất canh tác nước này đã sụt giảm 6,2% trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2008. Do đó, việc cải tạo lại những vùng đất ô nhiễm cũng sẽ góp phần giúp Trung Quốc đảm bảo ít nhất 120 triệu hécta dự trữ cho việc trồng trọt. Theo dự báo, trong 5 năm tới, Trung Quốc ước tính cần chi tổng cộng gần 10 tỷ USD để xử lý nước thải và hàng trăm triệu USD cho hoạt động xử lý ô nhiễm hàng năm.

Để đảm bảo lượng lương thực bị thiếu hụt tại Trung Quốc, từ nhiều năm nay, nước này đã tìm kiếm nguồn tài nguyên từ nước ngoài, tại Đông Nam Á có Lào, Campuchia và Indonesia. Ngoài ra, còn có khu vực châu Mỹ Latin. Trung Quốc đã phải lập các kho dự trữ lớn, đặc biệt là lúa mì để đề phòng những trường hợp cấp bách. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, con số dự trữ lên đến hàng chục triệu tấn.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục