Nhắc đến cộng đồng người Do Thái và người Ả Rập Palestine, hẳn ai cũng nghĩ đến sự mâu thuẫn và thù hằn qua nhiều thế hệ, được xem như cuộc tranh chấp lãnh thổ dai dẳng nhất của lịch sử đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những cá nhân nỗ lực tạo nên sự cảm thông giữa thế hệ trẻ với nhau vì tin rằng thế hệ sau này sẽ tìm được tiếng nói chung để xóa đi những rào cản hiện nay. Có một ngôi trường ở khu vực Trung Đông, nơi trẻ em Do Thái và Ả Rập đang cùng nhau học tập, vui chơi.
Dấu hiệu tích cực
Nhà báo Hugh Sykes của hãng thông tấn BBC rất thường đến Trung Đông tìm hiểu cuộc sống nơi này và ghi nhận những chuyển biến trong cuộc sống tại đây. Ông viết trong bài báo của mình, cứ mỗi tuần đều đặn diễn ra một cuộc biểu tình chống lại việc nhà nước Do Thái xua đuổi cộng đồng người Ả Rập Palestine ra khỏi nơi họ sinh ra. Thế nhưng, điều đặc biệt, số người Do Thái tham gia biểu tình đông hơn người Ả Rập Palestine và những nhà hoạt động vì hòa bình. Băng rôn và khẩu hiệu được viết bằng hai thứ tiếng Do Thái và tiếng Anh. Đó là sự thay đổi mà đến hơn 60 năm sau kể từ khi nhà nước Israel do người Do Thái thành lập kéo theo sự bùng nổ trong mâu thuẫn giữa Israel và các nước thế giới Ả Rập bắt đầu.
Một vài lần khác, nhà báo Hugh Sykes chỉ thấy những băng rôn ghi dòng chữ bằng tiếng Do Thái. Ông tò mò đặt câu hỏi với một phụ nữ về ý nghĩa của những dòng chữ đó và hỏi cô tại sao không sử dụng thêm một ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Anh chẳng hạn? Cô trả lời: “Có những lúc chúng tôi sử dụng cùng lúc hai thứ tiếng nhưng có những lúc như lúc này, chúng tôi chỉ dùng tiếng Do Thái, như cách chúng tôi muốn nói với chính bản thân mình, nhắc mình nhớ đã đến lúc cuộc xung đột cần phải kết thúc. Tất cả đều hiểu bản chất của sự việc và không cần thiết phải tiếp tục cuộc sống với những mâu thuẫn như vậy”.
Sống để yêu thương
Từ thập niên 1970, một nhóm người Do Thái và Ả Rập Palestine đã tìm đến nhau, cùng chung sống ở một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập gọi là Wahat as Salam, cả hai tên đều có nghĩa: Ốc đảo hòa bình (Oasis of Peace). Ban đầu, nơi này chỉ có 2 gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến 5 và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số ở ốc đảo hòa bình hiện nay có 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung, muốn minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau và vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Ước vọng của phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ốc đảo này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Ngay từ nhỏ, các em đã được làm quen cùng lúc với hai nền văn hóa. Nhưng điều đó không có nghĩa các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác. Để bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ốc đảo hòa bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng đều dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.
Mặc dù những hoạt động của nhóm người này nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước Israel thông qua các radar bố trí chung quanh nhưng họ dường như không để ý đến việc này. Cô Raida, giáo viên người Palestine nói: “Chúng tôi đã thành công và dĩ nhiên nhà nước Israel không thích điều này”. Eaida dạy tiếng Anh và lịch sử cho các em 11 tuổi. Trong lớp học của cô, các em được hướng dẫn làm việc theo nhóm. Ở góc này có sắp xếp 3 em Ả Rập Palestine ngồi chung 2 em Do Thái, ở góc khác 2 em người Do Thái đang vui đùa cùng 2 em Ả Rập Palestine. Các em thường xuyên đến chơi nhà nhau, xem nhau như những người bạn thân thiết.
Những cánh diều no gió
Lần gần nhất, nhà báo Hugh Sykes đến thăm ốc đảo hòa bình, ông bắt gặp hình ảnh rất dễ thương khi các em đang làm những cánh diều để đón một vị khách đặc biệt. Đó là tác giả người Anh Michael Morpurgo chuyên viết truyện dành cho thiếu nhi, người vinh dự nhận Giải thưởng Văn học dành cho trẻ em của Anh (từ năm 2003-2005). Ông vừa cho ra mắt quyển truyện viết về những xung đột của người Ả Rập Palestine và người Do Thái “The kites are flying!” (Những cánh diều vẫy gọi). Câu chuyện kể cậu bé Palestine hàng ngày mang diều đến bức tường ngăn với khu vực định cư của người Do Thái để nhờ những cơn gió đưa cánh diều được khắc chữ “Salam” (câu chào của người Hồi giáo) vượt qua bức tường cao và kiên cố ấy. Rồi khi gió đảo chiều, cánh diều của cậu bé lật ngược mặt lại, hiện lên chữ “Shalom” (câu chào của người Do Thái). Khát vọng hòa bình được chuyển tải qua một câu chuyện xúc động về tình bạn. Qua đó, tác giả người Anh vẽ nên ước mơ về một cuộc sống hòa bình của trẻ em nơi này qua hình ảnh những cánh diều căng gió, vẫy gọi những tấm lòng hãy rộng mở để tâm hồn tất cả được tự do vươn cao và tìm đến nhau. Và từ đó, mỗi khi ông trở về “ốc đảo của sự kết nối”, trẻ em nơi này vui mừng đón ông, cùng nhau kết những chiếc diều, một biểu tượng hòa bình mà Michael Morpurgo dành tặng các em. Nhà văn Michael Morpurgo hy vọng hòa bình được đặt ở lớp trẻ Do Thái và Ả Rập Palestine nếu ngay từ bây giờ, họ được gặp gỡ và thể hiện sự thấu hiểu, sự tôn trọng dành cho nhau.
“Bạo lực không bao giờ giải quyết được xung đột” - Đó là thông điệp mà những người bạn như Rami và Mazen gửi gắm đến người dân của mình. Mazen (62 tuổi) người Do Thái. Cha của anh không may chết dưới họng súng của lính Israel. Còn cô con gái 14 tuổi của Rami thì chết trong vụ nổ bom tự sát do người Palestine gây ra trên một chiếc xe buýt ở Jerusalem. Giờ đây, Rami và Mazen là những người bạn thân thiết, gắn bó như anh em ruột thịt, thường xuyên đến thăm ốc đảo hòa bình. Cả hai hiện đang sinh hoạt tại Tổ chức Vòng tròn gia đình (Parents Circle - Families Forum PC-FF). Trên những tấm danh thiếp của mình, những thành viên của PC-FF ghi cùng một dòng chữ: “Gia đình của những người đã mất vì xung đột. Ủng hộ hòa bình, sự hòa hợp và lòng khoan dung”.
Hơn 40 năm trước tại vùng Trung Đông bắt đầu “Cuộc chiến 6 ngày”. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, quân đội Israel đã đánh bại quân đội 3 nước Ả Rập và chiếm một vùng đất rộng lớn gấp 4 lần lãnh thổ của mình: Cao nguyên Golan, Dải Gaza, vùng Đông Jerusalem, bờ Tây sông Jordani. Từ đó đến nay, các vùng đất này luôn có những cuộc xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel. |
Như Quỳnh