Phải thay đổi

Ở Phần Lan, các nhóm dân quân hiện tổ chức tuần tra thường xuyên tại các thị trấn nhỏ có đông người nhập cư sinh sống để bảo vệ phụ nữ bản địa. Tại Đức và Italia, các nhóm cực đoan liên tục tuần hành phản đối người nhập cư… Tất cả xuất phát từ sau vụ tấn công tình dục tại Cologne, Đức cũng như ở một số thành phố của Phần Lan và Áo vào đêm 31-12-2015.

Ở Phần Lan, các nhóm dân quân hiện tổ chức tuần tra thường xuyên tại các thị trấn nhỏ có đông người nhập cư sinh sống để bảo vệ phụ nữ bản địa. Tại Đức và Italia, các nhóm cực đoan liên tục tuần hành phản đối người nhập cư… Tất cả xuất phát từ sau vụ tấn công tình dục tại Cologne, Đức cũng như ở một số thành phố của Phần Lan và Áo vào đêm 31-12-2015.

Các nhân chứng cho hay nhiều phụ nữ đã bị sàm sỡ, bị cướp trong đêm giao thừa. Thủ phạm hầu hết là đàn ông nước ngoài, trong số đó có cả người di cư. Cảnh sát Cologne cũng đang điều tra các cáo buộc về hiếp dâm. Trong lúc những bản báo cáo về vụ việc ở Cologne còn đang dang dở, xã hội châu Âu thêm lần nữa đối mặt thách thức hiện hữu từ lượng người di cư đang ồ ạt đổ về lục địa già.

Trước những diễn biến tiêu cực xuất phát từ người di cư, chính phủ các nước châu Âu đã có những động thái thay đổi. Đức, nơi mà nhà lãnh đạo quốc gia này, Thủ tướng Angela Merkel, được ví như vị cứu tinh của người nhập cư, đã bắt đầu thắt chặt kiểm tra người di cư từ Áo vào Đức. Trong khi đó, nhiều nước khác đã dựng hàng rào hoặc các điểm kiểm soát biên giới bắt đầu từ năm ngoái để ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng người di cư. Thậm chí tại Đan Mạch, chính phủ nước này còn tính chuyện tịch thu các tài sản có giá trị từ người nhập cư, xem đó là khoản trang trải chi phí ăn ở của người di cư.

Sốt sắng nhất với vụ việc đêm giao thừa là các đảng chính trị cực hữu ở châu Âu. Lâu nay, phe này vẫn luôn bảo vệ quan điểm mang đầy tính thù hằn, kỳ thị sắc tộc: người di cư là mối đe dọa đến “bản sắc châu Âu” và an ninh của châu lục. Các đảng cực hữu nhân cơ hội này càng cáo buộc mạnh mẽ Liên minh châu Âu (EU) bất lực trong việc bảo vệ biên giới và an ninh nội khối. Để củng cố thêm cho lập luận của mình, phe cánh hữu nhắc lại 2 vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, Pháp năm 2015. Và thêm một sự thay đổi nữa không thể không nhắc tới là việc người dân nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp luôn đề cao tự do-bình đẳng-bác ái đã quay sang ủng hộ các đảng cực hữu nặng tư tưởng dân tộc cực đoan. Chiến thắng tại các cuộc bầu cử địa phương của các đảng cực hữu tại Pháp và một số quốc gia khác đã cho thấy rõ sự thay đổi này. Xã hội châu Âu đang bị chia rẽ, phân cực, một sự thay đổi đáng phải lo lắng.

Châu Âu đã trải qua một năm 2015 đầy biến động với nhiều vấn đề: khủng hoảng di cư, nợ Hy Lạp, hai vụ khủng bố tại Pháp gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, với EU, không có cuộc khủng hoảng nào có sức đe dọa lớn hơn dòng người di cư ùn ùn kéo tới châu lục này bởi nó đang khiến các quốc gia trong khối mâu thuẫn với nhau và bộc lộ những bất cập, không thống nhất của EU trong việc giải quyết vấn đề an ninh bên ngoài và trong khối. Một châu Âu tự do không có đường biên giới; một châu Âu cởi mở chào đón với tất cả mọi người là những giá trị mà lục địa già theo đuổi từ khi thành lập khối. Buồn thay, châu Âu có vẻ đã mỏi mệt khi những giá trị tự do đó liên tiếp bị đe dọa. Không chỉ một mà đã có nhiều giọt nước làm tràn ly, đẩy châu Âu vào cảnh buộc phải cải cách mạnh mẽ.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục