Phát hành phim - Cuộc đua sòng phẳng

Tư nhân nắm thế chủ động
Phát hành phim - Cuộc đua sòng phẳng

Không còn thế độc quyền, giờ đây, sức mạnh của phát hành phim nằm trong tay những người có năng lực chuyên môn và… nhiều tiền. Nhập phim, xây dựng các cụm rạp hiện đại và đôi khi cùng tham gia quá trình sản xuất phim là vòng tròn khép kín được các nhà phát hành phim khai thác và phát huy tối đa.

Khách hàng theo dõi lịch chiếu phim tại rạp Galaxy Nguyễn Du. Ảnh: LÃ ANH

Khách hàng theo dõi lịch chiếu phim tại rạp Galaxy Nguyễn Du. Ảnh: LÃ ANH

Tư nhân nắm thế chủ động

Không còn đơn thuần là chuyện “bán” giấy phép phát hành phim cho các nhà sản xuất (NSX), giờ đây, nhà phát hành (NPH) đóng vai trò quyết định đầu tiên trong việc bộ phim ra rạp thời điểm nào? Phim chiếu trong thời gian bao lâu và ở bao nhiêu rạp?

Từ khi có chính sách xã hội hóa điện ảnh, các đơn vị doanh nghiệp tư nhân được quyền tham gia công tác phát hành phim, đã xóa bỏ thế độc quyền phát hành phim của hai đơn vị nhà nước là Fafilm Việt Nam và Fafilm TPHCM. Đến nay, số lượng các nhà phát hành phim là khá nhiều, nhưng những doanh nghiệp hoạt động thật sự hiệu quả trong lĩnh vực này, chỉ đếm trên đầu ngón tay; nổi bật nhất vẫn là những cái tên: MegaStar, Galaxy, BHD và mới đây có thêm Lotte Cinema; bởi đây là bốn “đại gia” có khả năng tài chính tốt, hệ thống rạp chiếu phim hiện đại và thường xuyên nhập khẩu những phim nước ngoài nổi tiếng, hoặc phim đang ăn khách.

Trong đó MegaStar được xem là “đối thủ” nặng ký nhất, với tất cả các nhà phát hành phim tại Việt Nam. Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, sở hữu 10 cụm rạp hiện đại trên toàn quốc và là đối tác của 4/6 studio sản xuất - phát hành phim của Hiệp hội Điện ảnh Hoa kỳ, gồm: Universal Pictures, Walt Disney Pictures, 20th Century Fox, Paramount Pictures; MegaStar luôn dẫn đầu trong việc nhập và phát hành phim tại Việt Nam. Galaxy và BHD chủ đầu tư là người Việt, rạp ít hơn, tiềm lực kinh tế cũng hạn chế hơn, nên “thế mạnh” của hai nhà phát hành này tập trung chủ yếu trong việc phát hành phim Việt. Cạnh đó, cả hai doanh nghiệp đều bắt tay hợp tác sản xuất phim.

Giờ đây, công việc phát hành phim đã linh hoạt, bài bản và chuyên nghiệp; phí phát hành cũng cao hơn (từ 8 đến 12% - trong khi trước đây chỉ có 5%), nhưng NSX phim nào cũng muốn phim của mình được nhà phát hành có uy tín nhận “đỡ đầu” cho phim ra rạp! Vì là doanh nghiệp phát hành phim tư nhân, nên họ linh hoạt, chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh. Từ việc nhập phim, tỷ lệ ăn chia, chiếu thời điểm nào, chiếu bao nhiêu ngày, bao nhiêu xuất; đến việc sẵn sàng thay thế một phim vắng khách, bằng một phim đang chiếm lĩnh phòng vé.

Thế mới có chuyện, có phim chỉ mới chiếu hai, ba ngày, đã phải ngậm ngùi ra khỏi rạp vì không đạt doanh thu phòng vé, không cạnh tranh nổi với phim “bom tấn”!

“Vua phát hành phim” đang… “chết lâm sàng”!

Trong khi các nhà phát hành phim tư nhân ngày càng chiếm thế thượng phong, thì hai tên tuổi phát hành phim lừng lẫy một thời là Fafilm Việt Nam và Fafilm TPHCM lại đang trong tình trạng… thoi thóp. Từng được xem là “vua” một cõi, Fafilm Việt Nam là đơn vị độc quyền nhập và phát hành phim trong cả nước. Thời gian sau, Fafilm TPHCM là đơn vị cấp phép phát hành phim cho những phim chiếu tại TPHCM. Một thời gian dài sống và hoạt động theo cơ chế độc quyền, được nhà nước bao cấp; nên khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, yếu tố cạnh tranh khốc liệt, cả hai đơn vị này không theo kịp “nhịp độ”.

Khi tư nhân uyển chuyển, linh hoạt đón mua những phim ăn khách, phim “bom tấn” và giúp các NSX trong nước đưa phim ra rạp thời điểm tốt nhất, hiệu quả nhất; thì cả hai đơn vị nhà nước này vẫn phải phụ thuộc vào cơ chế - nhập phim nước ngoài thì tiền không nhiều, không dám “đi trước đón đầu” những phim nước ngoài có khả năng ăn khách (vì đâu dám chắc phim có được duyệt hay không? Nếu nhập đại về, phim có vấn đề không được chiếu, ai chịu trách nhiệm?). Với hệ thống rạp chiếu, máy chiếu phim và cung cách phục vụ cũ kỹ, hiếm có NSX phim nào chọn hai đơn vị nhà nước này để trao “đứa con” của mình. Vì thế, gần chục năm nay, sau nhiều lần chuyển đổi tên gọi và đã trở thành công ty cổ phần; giờ đây cả hai đơn vị này đều hoạt động cầm chừng, không biết lúc nào sẽ bị “xóa sổ”.

Một cán bộ lâu năm trong ngành phát hành phim Việt Nam thẳng thắn: “Hiện nay “vua” (ý nói cả hai đơn vị phát hành phim nhà nước) đang… chết lâm sàng.

Bệ đỡ nào cho phim Việt ra rạp?

Khi các nhà phát hành phim đều là những nhà nhập khẩu phim nước ngoài có “tầm cỡ”, thì khả năng phim Việt “ra” và “đứng” rạp lâu là rất… mong manh. Cũng không nhà phát hành nào dám khẳng định với NSX rằng phim của họ trụ được ở rạp bao lâu, một ngày đảm bảo sẽ chiếu bao nhiêu xuất?! Dù đã được nhận phát hành, nhưng bộ phim ấy sẽ bị “hất văng” ra khỏi rạp bất cứ lúc nào, nếu phim không đạt doanh thu phòng vé. Chỉ sau hai ngày vắng khách, thì bộ phim vài trăm triệu, vài tỷ hay vài chục tỷ cũng phải chịu chung số phận bị mất xuất chiếu, mất rạp!

Cũng phải nhìn nhận khách quan, kinh doanh rạp cũng phải nhắm đến chuyện lời - lỗ. Mỗi ngày, rạp phải chi phí điện, nước, trả tiền nhân viên, tiền thuê mặt bằng… nên họ phải cân nhắc chọn chiếu phim nào đông khách, phim vắng khách... “ao” là chuyện dễ hiểu.

Chính vì vậy, cốt lõi vấn đề vẫn là chất lượng phim và phim phù hợp với thị hiếu khán giả trong một thời điểm nhất định. Có phim đã bị một số chủ rạp chê không nhận chiếu (vì lý do phim nhảm nhí, hoặc do mối quan hệ giữa hai nhà phát hành không mấy êm đẹp), nhưng phim ấy lại tạo thành “cơn sốt phòng vé”, nên cuối cùng các rạp này phải quay sang “ỉ ôi” với NSX hoặc với đơn vị phát hành để lấy phim về chiếu. Ngược lại, có phim được nhà phát hành cam kết chiếu một tuần, hai tuần… nhưng chỉ sau hai ngày vắng khách thì bản cam kết ấy trở thành “mất hiệu lực”!

Để dung hòa giữa doanh thu của các đơn vị tư nhân tham gia phát hành, phổ biến chiếu phim và các NSX phim Việt là chuyện hết sức khó khăn. Ngay những bộ phim thuần về tuyên truyền, được sản xuất bằng kinh phí của nhà nước, nhưng khi phát hành ra rạp vẫn chịu chung số phận của cơ chế thị trường - không doanh thu thì chỉ chiếu được hai đến ba ngày.

Với các NSX phim tư nhân, đầu tư làm phim và quá trình đưa phim ra rạp luôn là thử thách không dành cho những người yếu tim và yếu… tiền! Hiện nay, một số NSX đã khôn ngoan “bắt tay” làm phim cùng nhà phát hành, để yên tâm phần đầu ra cho bộ phim. Có vẻ, giải pháp tình thế này mới giúp các NSX không nản chí và để cuộc chơi phim ảnh hạn chế bớt rủi ro!

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục