Phát triển điện ảnh: Cần tầm nhìn xa

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra: Để phát triển văn học nghệ thuật nói chung và nền điện ảnh nói riêng, phải nâng cao chất lượng và quảng bá tác phẩm, đồng thời chú trọng việc xây dựng tác phẩm văn học nghệ thuật để đối ngoại. Về vấn đề này tôi có ý kiến như sau:

Điều công chúng quan tâm nhất, cần nhất hiện nay là có nhiều tác phẩm để xem, để đọc rồi mới xét đến mức độ hay, dở để người xem chọn lựa. Cần có nhiều phim Việt Nam hay để thay thế phim nước ngoài. Tôi nghĩ, người Việt Nam vẫn yêu thích phim Việt Nam. Vì vậy, phải đẩy mạnh sáng tác để từ đó có những tác phẩm hay đáp ứng yêu cầu công chúng. Cái gốc vấn đề là phải tạo điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến, đóng góp công sức, tài năng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đất nước. Yêu cầu của thời đại là những tác phẩm văn học nghệ thuật, điện ảnh phải nói lên được tâm tư, nguyện vọng của người dân; là vũ khí để góp phần đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng; bênh vực và bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thiết thực nhất.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, trước tiên phải nâng cao trách nhiệm của người làm phim đối với khán giả, cộng đồng; giảm bớt những tác phẩm giải trí rẻ tiền. Muốn có phim hay, người làm phim phải tìm hiểu xem khán giả thích và muốn cái gì; phải xác định bộ phim phục vụ cho đối tượng nào. Đã đến lúc người làm phim không thể cứ áp đặt cái mình muốn, cái mình thích vào phim rồi tung ra khán giả. Từ việc nhận biết thị hiếu khán giả, người làm phim sẽ nâng tính thẩm mỹ, từ đó dẫn dắt khán giả theo định hướng lành mạnh, góp phần nâng cao giá trị tinh thần, tính nhân văn cho khán giả thông qua tác phẩm của mình. Về phía các cơ quan quản lý, phải tích cực quảng bá, đưa tác phẩm đến công chúng. Không thể mãi để nghịch lý xảy ra: thiếu tác phẩm trong nước để công chúng xem mà kho phim thì đầy ắp, hoặc kịch bản nằm chờ tiền, chờ kế hoạch sản xuất.

Những năm qua, văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là còn vắng bóng trên văn đàn, màn ảnh nước ngoài, ở các kỳ liên hoan phim quốc tế, chợ phim quốc tế. Do đó, người nước ngoài hiểu Việt Nam về kinh tế nhiều hơn hiểu về văn học nghệ thuật. Những tác phẩm điện ảnh sản xuất ra đã ít, khi kiểm tra chất lượng kỹ thuật lại không đáp ứng đủ để đem ra nước ngoài… Vì vậy, phải đầu tư toàn diện để có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không để lạc hậu với trào lưu hiện đại, cáùch tân nhưng vẫn giữ giá trị của nền văn hóa dân tộc, những sắc thái tinh hoa ngàn năm để lại. Ngoài ra, đã đến lúc ta phải tính đến việc bán các tác phẩm điện ảnh ra nước ngoài, biến nó thành một sản phẩm hàng hóa.

Để không lạc nhịp thời đại, ngay từ bây giờ, phải đào tạo đội ngũ - một thế hệ làm phim mới chuyên nghiệp, tài năng cho tương lai; đào tạo lực lượng sáng tác và đội ngũ kỹ thuật làm nghề trẻ, tài năng để thay thế. Các nhà quản lý điện ảnh phải hoạch định chiến lược, có tầm nhìn xa trong việc phát triển điện ảnh 10 năm, 20 năm tới; đầu tư nâng cấp các trường đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật. Cùng theo đó là thực hiện các chính sách đãi ngộ, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người làm phim, để họ toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác, làm phim… 

Nhà biên kịch DƯƠNG CẨM THÚY
(Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục