Philippines thiết quân luật chống khủng bố

Trên máy bay trở về Manila hôm nay 24-5 sau khi cắt ngắn chuyến thăm Nga, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ mạnh tay với khủng bố và có thể kéo dài lệnh thiết quân luật ở miền Nam Philippines đến một năm nếu cần thiết để đối phó phiến quân Hồi giáo.
Các chiến binh nhóm Maute chiếm và cắm cờ đen biểu tượng IS trên một xe cảnh sát ở Marawi, Mindanao, Philippines, ngày 23-5-2017. Ảnh: PhilStar
Các chiến binh nhóm Maute chiếm và cắm cờ đen biểu tượng IS trên một xe cảnh sát ở Marawi, Mindanao, Philippines, ngày 23-5-2017. Ảnh: PhilStar

Đấu súng dữ dội nổ ra trong cuộc đột kích ngày 23-5 của lực lượng an ninh Philippines vào một hang ổ phiến quân liên quan nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố Marawi, trên đảo Mindanao, Nam Philippines.

Ít nhất 2 binh sĩ cùng một cảnh sát thiệt mạng và 12 người khác bị thương khi nhóm phiến quân Maute chiếm các tòa nhà và đốt cháy một trường học, một nhà thờ và một nhà tù tại Marawi, thành phố khoảng 200.000 dân, chủ yếu là người Hồi giáo.

Tổng thống Duterte lập tức đặt đảo Mindanao vào tình trạng thiết quân luật trong 60 ngày từ tối 23-5 và trên đường trở về từ Moscow, ông tuyên bố nếu cần thiết có thể kéo dài lệnh thiết quân luật đến một năm.

"Những người đồng hương của tôi, đừng quá sợ hãi. Tôi đang trở về nhà. Tôi sẽ giải quyết vấn đề khi tôi về đến", ông Duterte, quê ở Mindanao, tuyên bố.

Philippines thiết quân luật chống khủng bố ảnh 1 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, tối 23-5-2017, sớm hơn kế hoạch 2 ngày, khi Tổng thống Duterte đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Nga trở về nước giải quyết xung đột ở Mindanao. Ảnh: AP
Philippines đã trải qua một thập niên thiết quân luật dưới thời nhà độc tài Ferdinand Marcos từ đầu những năm 1970.

Maute là nhóm đã tiến hành vụ đánh bom làm 15 người chết vào tháng 9-2016 tại thành phố Davao, quê nhà Tổng thống Duterte.

Theo PhilStar, giới chức an ninh Philippines cho biết, Hapilon, mới đây bị thương trong một cuộc không kích vào tháng 1-2017, khét tiếng với các vụ đột kích, đã cam kết trung thành với IS vào năm 2014, được cho là đã được chọn làm thủ lĩnh chi nhánh IS Đông Nam Á. Tuy nhiên, giới chức an ninh Philippines và Mỹ cho biết không có hiện diện chính thức của IS tại Philippines.

Trên kênh tin tức ANC, phát ngôn viên quân đội Edgar Arevalo tuyên bố, các lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang Philippines sẽ nhanh chóng kết thúc vụ việc để có thể khôi phục tình trạng bình thường trong khu vực.

Cuộc đột kích của lực lượng an ninh ngày 23-5 nhằm bắt giữ Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf khét tiếng bắt cóc đòi tiền chuộc và chặt đầu con tin phương Tây. Bộ Tư pháp Mỹ liệt Hapilon vào danh sách tội phạm bị truy nã gắt gao nhất đã treo thưởng tới 5 triệu USD.

Các nhóm Maute và Abu Sayyaf đã cam kết trung thành với IS và đã chứng tỏ là những đối thủ lớn của quân đội Philippines khi Tổng thống Duterte tìm cách trấn áp các nhóm cực đoan và ngăn chặn truyền bá hệ tư tưởng cực đoan Hồi giáo ở Philippines.

Tổng thống Duterte đã nhiều lần cảnh báo rằng, các chiến binh Hồi giáo bỏ chạy khỏi Iraq và Syria có nguy cơ tràn vào Mindanao, một khu vực nghèo nàn và nổi loạn, Reuters cho biết.

Tin cùng chuyên mục