Phim Quyên: Bức tranh cảm xúc về thân phận con người

Quyết định chọn chuyển thể tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên màn ảnh, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mang đến cho khán giả - cả những người đã đọc hoặc chưa đọc tiểu thuyết văn học này, những cảm xúc thật mãnh liệt về số phận của những người Việt xa xứ.
Phim Quyên: Bức tranh cảm xúc về thân phận con người

Quyết định chọn chuyển thể tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên màn ảnh, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình mang đến cho khán giả - cả những người đã đọc hoặc chưa đọc tiểu thuyết văn học này, những cảm xúc thật mãnh liệt về số phận của những người Việt xa xứ.

Góc nhìn khốc liệt

Mở đầu là cảnh đoàn người Việt từ Đông Đức sang Tây Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ. Bị thu hút bởi vẻ đẹp, sự ân cần của Quyên (Ngọc Anh) dành cho chồng - một tiến sĩ đi tu nghiệp, Hùng (Trần Bảo Sơn) đã bắt cóc Quyên, nhốt cô trong căn nhà gỗ dựng trơ trọi trên đỉnh núi mùa băng tuyết giá lạnh. Từ đây, Quyên bị cầm tù, bị lạm dụng...

Diễn viên Trần Bảo Sơn và Ngọc Anh trong phim

Và hàng loạt số phận người Việt khác được đề cập, phơi bày khiến người xem thấy tê tái, xót xa về sự khốc liệt, về số phận mong manh của họ khi mưu sinh trên đất khách quê người. Đó là Hùng, vốn là kỹ sư địa chất, đầy hoài bão, niềm tin về một cuộc sống no đủ, về tình yêu thủy chung. Để rồi khi nhìn thấy thực tế phũ phàng - vợ ngoại tình và luôn cho người tìm cách giết mình, không tiền, không người thân thích nơi xứ người, ôm nỗi hận thù chất chứa trong lòng, Hùng trở thành tay giang hồ máu lạnh, sống bằng nghề bảo kê, dắt người vượt biên và là kẻ giết người không gớm tay. Đó là Dũng (David Trần) - chồng Quyên, vốn là trí thức đang tu nghiệp lấy bằng tiến sĩ, nhưng vượt biên sang Tây Đức, sống tạm bợ trong khu tị nạn, kiếm sống bằng nghề rửa chén trong quán ăn và thường xuyên chịu sự sỉ nhục của mọi người...

Hình ảnh những băng nhóm tội phạm người Việt thanh toán nhau đẫm máu, việc thu tiền bảo kê trong các chợ người Việt và hình ảnh Quyên bị chính chồng mình ruồng bỏ, khiến cảm xúc người xem như nghẹt thở. Bức tranh người Việt trên xứ người vừa khốc liệt vừa đáng thương và những thân phận nhỏ bé, yếu ớt như Quyên, dù đã có lúc ê chề nhục nhã, bế tắc cùng đường, đã có lúc muốn quyên sinh, nhưng sau đó là sự mạnh mẽ, quyết liệt để tìm lấy sự bình yên.

Hai mảng sáng - tối

Trong phim, đạo diễn đã khai thác cả hai mảng sáng - tối trong mỗi số phận. Hùng tưởng như là kẻ bỏ đi, sống chỉ biết thỏa mãn cá nhân và lao vào những trận thư hùng song lại âm thầm quan tâm, bảo vệ Quyên và dành cho cô một tình yêu sâu nặng. Có thể hiểu, cái phần “người” trong Hùng bị sự khắc nghiệt của cuộc sống tha hương, bị tâm lý luôn phải “thủ thế” trước cái ác, cái dữ dội và sự thanh trừng của các băng đảng người Việt khác che lấp, nhưng khi tìm thấy tình yêu mà Quyên là hiện thân của tình yêu ấy, cái phần tốt nhất trong con người Hùng mới có dịp được bộc lộ. Bản thân Quyên, sau sự căm phẫn, thù hận kẻ đã giam giữ, làm nhục mình, cô bắt đầu cảm nhận được phần “người” của Hùng và đó cũng là lý do cô quyết định giữ lại đứa bé.

Còn về nhân vật Dũng, cũng có chút bất ngờ với cái kết của phim. Khán giả có thể hiểu, lằn ranh giữa tốt và xấu, giữa phần “con” và phần “người” thật rất mong manh. Dũng từ một trí thức cam chịu, hèn nhát cuối cùng trở thành một con người đáng sợ. Nhưng trong sự hỗn độn, nháo nhào của cuộc sống phức tạp, chụp giựt ấy, tình người vẫn còn đó. Đó là sự trung thành của Phi (Hiếu Nguyễn), của Huệ (Phương Mai) dành cho Hùng bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Là Hans (Gary Daniels) yêu thương và giúp đỡ Quyên vô điều kiện... Đó là những điểm sáng trong phim để ta tin rằng, những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong cuộc sống. Có lẽ, với trải nghiệm của người từng sống và học tập ở nước ngoài, Nguyễn Phan Quang Bình có đủ thấu hiểu để xây dựng, phát triển tâm lý cho từng nhân vật một cách rõ nét.

Các diễn viên chính đã hoàn thành tốt vai diễn của mình, các chi tiết trong phim được chọn lọc vừa đủ để dẫn dắt câu chuyện, cho người xem hiểu, chia sẻ diễn biến tâm lý, số phận từng nhân vật. Tuy nhiên, phần thoại chậm chạp, phát âm nhiều chỗ không rõ lời, đã gây khó khăn cho người xem. Sự công phu trong việc đầu tư, dàn dựng bối cảnh cũng là một điểm rất đáng khen của Quyên. Bộ phim không dừng ở một nhân vật Quyên, mà đã trở thành một bức tranh rộng hơn về rất nhiều số phận người Việt trên con đường tìm kiếm mưu sinh nơi đất khách. Đó không phải miền đất hứa như ai đó lầm tưởng, mà đó là nơi chứa đầy rủi ro, nghiệt ngã. Hình ảnh cuối, khi Quyên cùng con gái ôm bình tro cốt của Hùng trên chuyến bay về lại Việt Nam đã nói lên tất cả.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục