Phóng viên truyền hình

1.
Phóng viên truyền hình

1. Buổi tọa đàm Game online với thiếu nhi trong phòng thu vừa kết thúc. Vân và đạo diễn Thông bắt tay chào, cảm ơn ba khách mời rồi đưa họ xuống tầng trệt để ra cửa. Nắng trải vàng rực trên những tàng cây trong khuôn viên rộng lớn của đài.

Chờ cho chiếc xe chở các vị khách đã lăn bánh, Thông mới lại gần Vân, nháy mắt:

- Cà phê chứ?

- Em đang quá chừng việc đây. Đâu rảnh như mấy ông đạo diễn!

- Thì em còn cả đời để bận mà? Đi, xuống căn tin uống ly nước rồi về làm tiếp.

- Không, kề cà là không kịp. Mai phải duyệt kịch bản Kêu tài trợ rồi.

- Thì thôi… túi bụi vậy là coi chừng ế đấy cô em ạ.

- Thì ế rồi mà.

Vân về phòng, mở máy ra và phút chốc cô đã nhập tâm được vào bài viết đang dang dở. Tương đối yên tĩnh, chỉ có tiếng lách cách phát ra từ bàn phím và mái đầu Vân đang ngửng lên cúi xuống trước màn hình.

Lúc cô dừng tay thì đã gần 12 giờ trưa. Cô tắt máy, đóng cửa phòng lững thững xuống căn tin. Món cá kho hôm nay hơi nhạt, và rau cải xào dai quá. Cô cố nuốt để còn sức chiều phóng xe hai chục cây số xuống xã. Kịch bản viết gần xong nhưng có vài chỗ lấn cấn chưa ổn. Phải xuống kiểm tra lại lần nữa. Chợt nhớ lời anh Thông lúc sáng: “ Túi bụi vậy là coi chừng ế ”.

2. Vân được giao 2 chương trình mỗi tuần: Măng non và Muôn mặt cuộc đời. Mỗi chương trình có cái hay cái khó của riêng nó. Như Măng non, đầu tiên là phải vắt óc nghĩ ra ý tưởng. Điều này không dễ tí nào, vì làm lâu cũng hết vốn. Thiếu nhi quanh đi quẩn lại cũng chuyện học chuyện chơi… Ý tưởng phải không trùng lặp, phải mang tính thời sự, lại phải có tính khả thi trong điều kiện kinh phí có hạn. Rồi xách xe chạy mù mịt, lên huyện xuống xã, có khi mò vào tận những hẻm hóc xa tít. Gặp các bạn nhỏ, cô giáo nhà trường phụ huynh và cả lãnh đạo địa phương hỏi chuyện. Khi đã có đủ dữ liệu rồi đêm về mới cặm cụi viết kịch bản, rồi xin xe, xin quay phim, liên hệ MC… Lại nói về MC, nếu là MC người lớn thì không khó. Còn đây là mấy đứa học trò. Chúng đang đi học nên cực kỳ khó khăn. Phải nhờ chúng lựa thời gian có thể, rồi Vân phải xin phép cô giáo, nhà trường và cha mẹ…

Chương trình thứ 2 là Muôn mặt cuộc đời mà Vân thường gọi tắt là “Kêu tài trợ”. Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn xem đài. Vì nội dung là nhằm chia sẻ với một số phận khó khăn cụ thể nào đó mà muốn giúp được thì phải kêu gọi sự ủng hộ của vài nhà tài trợ. Phải vận động và liên hệ trước với họ để ngay khi quay hình là đã có. Khi chương trình phát sóng, sẽ có những tấm lòng hảo tâm ủng hộ tiếp theo. Có em bé tật nguyền được tài trợ lên tới cả trăm triệu. Nhiều người đủ tiền mổ tim hoặc được mổ miễn phí… Và hơn cả tiền là những ấm áp họ nhận được từ chương trình. Được vậy nghĩa là Vân tha hồ tất bật.

Tối mắt suốt cả tuần, cả tháng và cả năm như thế. Đài truyền hình chưa bao giờ ngưng một ngày không phát sóng, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Cũng có nghĩa công việc của phóng viên như Vân là chẳng nghỉ phép nghỉ lễ bao giờ. Muốn nghỉ thì phải làm chương trình dự trữ… Tất cả đã khiến Vân bị cuốn vào cơn lốc công việc khiến cho chuyện hẹn hò yêu đương trở nên xa xỉ. Những nghề khác, hết giờ là hết việc. Nhưng nghề phóng viên thì không. Còn phải tích cực đọc, tích cực xâm nhập thực tế. Nếu không, Vân lấy đâu ra ý tưởng mà làm dài dài.

Còn chuyện yêu? Không chỉ mình cô, trong cơ quan đài của Vân, nhiều chị lớn hơn mấy tuổi cũng còn y nguyên đó. Một số khác thì gãy gánh vì nhiều lý do. Bao nhiêu mồ hôi công sức và tâm huyết, nhưng Vân biết với một đài địa phương thì số lượng người coi là hạn chế. Sao người ta không gộp lại thành đài khu vực nhỉ? Bởi Vân biết là sóng của truyền hình rất đắt, số người coi hạn chế là một sự lãng phí. Nhưng thôi. Nếu gộp lại chắc gì Vân còn chỗ mà làm?

Bởi vậy, bận, nhưng Vân yên tâm dốc hết tâm huyết với nghề. Chỉ đôi lúc có người “chọc ngoáy” về chuyện yêu đương làm cô phân tâm giây lát. Bởi Vân chẳng có thời gian mà hò hẹn. Bởi những chàng có đầu óc thực tế đều thấy Vân chẳng thể là người của gia đình. Rồi chăm con, chăm chồng, chăm sóc nhà cửa vào lúc nào? Như anh Thông chẳng hạn. Khi mới vào đài, anh ấy cũng hay dành cho Vân những ánh mắt nồng nàn. Bây giờ thì ánh mắt ấy chưa chịu hờ hững nhưng cuối năm rồi anh đã cưới một cô vợ giáo viên “cho chắc ăn”.

3. Có lẽ mình cũng nên bớt cực đoan đi. Bữa ăn đã xong, thay vì về phòng ngả lưng vào chiếc ghế dài chút xíu thì cô lấy “dế” ra dò số. Đây rồi, sáng qua Quân mời cô ăn sáng mà cô từ chối vì sợ trễ.

- Anh Quân à, em đây!

- Ờ, có việc gì hả em?

- Không, chỉ là tối nay em mời anh cà phê.

- Cà phê? Mời anh? Anh có nghe nhầm không? Hôm nay trời đi vắng chắc? Hay sắp bão?

- Thôi mà, anh có nhận lời không thì bảo.

- Rất tiếc là anh lại đang ở Hà Nội rồi. Anh bay sáng nay. Ba ngày nữa mới về. Hy vọng lần tới anh rủ em không từ chối nhé.

- Vậy à.

Vân bần thần buông máy. Ba ngày nữa thì chưa thể biết. Toàn lạc nhịp vậy thôi. Vân chẳng sắc nước hương trời gì, lại cũng chẳng có thời gian để làm đẹp như mấy nàng rảnh rỗi. Nên cho đến giờ vẫn “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

4. “Alô em nghe đây”. “Vân à, thằng khờ chết ngắc rồi…”. Cú điện vừa nhận là của chị trưởng thôn, hàng xóm “thằng khờ”, nhân vật trong tuần này của Kêu tài trợ. Chương trình vừa quay hôm qua thì trưa nay em đã chết. Chết vì uống cả một lọ thuốc thần kinh của nó. Ngày thường, cái chạn lúc nào cũng khóa, chẳng hiểu sao, lúc quay hình bên trong chạn xong bà mẹ quên. Và ngay sau đó là chuyện xảy ra. Vẫn biết bà mẹ nghèo khổ này nuôi con thần kinh suốt hai lăm năm là một gánh nặng. Nhưng trong tình trạng cô độc, bây giờ con chết, bà sống sao? Vân chảy nước mắt, mở ví kiểm tiền và phóng xe đi luôn. Với những nhân vật tới làm, cô đều mở ví tặng một vài trăm. Nhưng lần này... Có cảm tưởng như Vân là nguyên nhân cái chết vậy. Có lẽ phải gọi cô Tâm trưởng phòng đi cùng. Vân đã gặp không ít sự cố. Có một bà già trông dáng nghèo khổ lam lũ với cái sọt rau to đùng sau xe đạp đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Đang định là nhân vật của tuần thì khi mò đến tận nơi thấy nhà bà là cái biệt thự. Có một doanh nhân nào đó, trước thì dặn: cần tài trợ thì kêu anh, tới khi nhận lời rồi, đến buổi quay hình thì “Anh đang ở xa, em kêu người khác đi”…

Kể cả những trục trặc này cũng là hơi thở cuộc sống. Vân đắm chìm lặn ngụp trong đó và thấy mình ngày một cứng cáp hơn lên. Chỉ sự thảng thốt trước mỗi cảnh đời, mỗi số phận là vẫn nguyên như cũ. Tối nay… Quân về rồi nhưng Vân lại kẹt việc đột xuất. Đành vậy thôi.

Mưa rồi. Vân mở cốp xe lấy áo mưa. Chiếc xe lao đi. Lúc này thì hình bóng Quân cũng mịt mờ như màn mưa trước mặt vậy.

HỘI AN

Hộp thư cộng tác

Chúng tôi nhận được bài viết cộng tác của các tác giả: Lý Thị Minh Châu (Lâm Đồng), Trần Văn Tám, Trịnh Minh Giang, Tạ Văn Việt, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đước, Chu Anh (TPHCM), Hồ Thị Ngọc Thủy (Gia Lai), Phương Anh, Tam Anh, Triệu Mỹ Ngọc (Cần Thơ), Vũ Đảm, Phạm Huy Định (Hà Hội), Lý Ngọc Hùng (Tiền Giang), Ninh Hà – Nguyễn Quốc (Canada), Võ Tấn Lợi, Hoàng Mai Quyên (An Giang), Nguyễn Nhật Hoài (Cà Mau), Nguyên Tiêu (Huế), Cao Vĩ Nhánh (Phú Yên), Lãnh Phong (nhung_bitron@yahoo.com.vn).

Chân thành cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được bài cộng tác để tuyển chọn đăng báo thuộc các thể loại: Truyện ngắn (tối đa 1.600 chữ), tản văn, tạp bút, bút ký… (tối đa 1.000 chữ), thơ và những sáng tác ngắn khác. Nơi nhận: Ban Văn hóa Văn nghệ - Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng, P14, Q5, TPHCM. Email: vhvn@sggp.org.vn hoặc xuanthaivhvn@yahoo.com

Tin cùng chuyên mục