Pokémon Go: Trò chơi dễ mang họa

T
Pokémon Go: Trò chơi dễ mang họa

>> Dở khóc dở cười vì “truy tìm” Pokemon

>> Người chơi Pokemon GO phá hoại nghiêm trọng dữ liệu Google Map Việt

Trời xẩm tối, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM), từng tốp bạn trẻ đi qua lại, mặt căng thẳng, tay lăm lăm điện thoại di động canh “bắt Pokémon”. Một tuần qua, trò chơi có khả năng lôi người chơi ra đường thay vì chỉ ngồi một chỗ này đã tạo ra xu hướng mới trong giới trẻ. Lợi, vui đâu chưa thấy, chỉ thấy trước mắt, Pokémon Go đã tác động mạnh đến người Việt, khi ở bất cứ chỗ nào, vào bất cứ thời điểm nào cũng thấy những bạn trẻ mê mệt vì trò chơi ảo này.

Người trẻ mê… rồi mệt

Pokémon Go là gì? Đó là một tựa game tương tác ảo trên điện thoại di động thông minh Android và iOS. Game cho phép người chơi bắt, huấn luyện và trao đổi các Pokémon ảo dựa trên thế giới thực. Sau khi cài đặt trò chơi này lên điện thoại di động thông minh, hệ thống bản đồ đường phố thực tế sẽ được cập nhật (google map). Dựa trên các đường phố và môi trường thực tế, game sẽ xuất hiện các con thú chơi (Pokémon). Người chơi sẽ dựa vào định vị để đi dò tìm vị trí chính xác của Pokémon bắt lại để nuôi.

Dạo quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TPHCM) không khó để có thể bắt gặp hàng trăm bạn trẻ vừa cầm điện thoại vừa lang thang khắp mọi nơi, mắt dán chặt vào màn hình để săn Pokémon. Bùi Vịnh, sinh viên năm 2 Trường Đại học KHXH-NV TPHCM nói: “Thấy trò này hấp dẫn, nên ai cũng tải về rồi đi săn Pokémon. Nãy giờ mình đã săn được 28 con rồi!”. Tuy mới du nhập vào Việt Nam không lâu, nhưng các “tín đồ Pokémon Go” nhanh chóng phát hiện, tìm ra những địa điểm có nhiều “quái thú”, đó là: Thảo Cầm Viên (quận 1); các công viên: Lê Văn Tám, 23-9, Tao Đàn... Và đến đây tận mắt chứng kiến mới thấy được trò này mê hoặc họ như thế nào.

Nhiều người trẻ say mê với Pokemon Go. Ảnh: MINH VƯƠNG

Vị trí xuất hiện của Pokémon là ngẫu nhiên và có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau từ trong nhà đến ngoài phố, từ các địa điểm đông đúc đến những nơi vắng vẻ ít bóng người. Khi mở ứng dụng và bắt đầu di chuyển đến những địa điểm khác nhau trên thực tế, ứng dụng này sẽ hiển thị một phiên bản hoạt hình của bản đồ Google và người chơi có thể nhìn thấy đường và các Pokémon cư ngụ.

Tại Công viên Tao Đàn, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hàng ngàn bạn trẻ đến đây để tìm các Pokémon và tham gia giao lưu, trò chuyện. Nhiều bạn trẻ tan trường, tan sở làm là ra công viên, phố đi bộ liền để “săn thú”. Pokémon đã tác động mạnh đến cuộc sống của người Việt trẻ.

Nhiều rủi ro

Chị Ngọc Hạnh, ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM than phiền khi cả tuần qua thấy con trai cắm mặt vào điện thoại để săn một con thú ảo. Chị nói: “Tôi không hiểu nổi cái trò đó có gì hay mà con tôi và đám bạn của nó suốt ngày cầm điện thoại rồi tụ tập bàn tán. Giờ đang nghỉ hè, mấy hôm nữa vô năm học mới, nếu cứ thế này không rõ tụi nhỏ sẽ học hành thế nào. Nhà trường và một số nơi công cộng cần cấm loại hình chơi ảo này để những đứa trẻ không lao vào nữa”.

Rõ ràng, bên cạnh việc giải trí và giúp người ra ngoài vận động thì Pokémon Go cũng bộc lộ một số khuyết điểm khác như ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông khi người chơi luôn chăm chú vào màn hình. Mặc dù nhà phát hành đã cảnh báo người chơi không nên vừa lái xe vừa chơi game, nhưng vì Pokémon xuất hiện ở các địa điểm ngoài đường nhiều và ngẫu nhiên nên nhiều người chơi đã không để ý được điều đó và vừa điều khiển xe máy, vừa chăm chú vào màn hình để chơi game. Bên cạnh đó, trò chơi cũng đang dần biến tướng theo hướng người chơi dùng phần mềm hack, fake… làm mất cân bằng game.

Được khuyến cáo về sự nguy hiểm khi vừa tham gia giao thông vừa chơi Pokémon Go, tại một số nước trên thế giới như Iran, Nga, Trung Quốc, trò chơi trên đã bị cấm triệt để hoặc một phần. Một số người còn lên án, trò chơi này đi ngược lại với giá trị đạo đức. Người chơi mạo hiểm xông vào những nơi linh thiêng như nhà thờ, đình chùa hay các cơ quan, tổ chức để bắt Pokémon và làm náo động nơi đây. Người chơi còn tập trung vào trò chơi này đến nỗi trở thành nạn nhân của nạn trộm cướp. Và mới đây nhất, một cô gái trẻ đã bị giật điện thoại khi đang cố gắng kiếm tìm những chú Pokémon tại Công viên Tao Đàn. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh người chơi tại những nơi công cộng nếu không muốn trở thành “mồi” ngon cho bọn cướp giật.

Nguyễn Ngọc Anh (24 tuổi, quận Thủ Đức) nói: “Ra công viên chơi đuổi bắt Pokémon giúp tôi và nhóm bạn của mình vừa đi bộ xả stress vừa được tụ tập với nhau. Game nào cũng giống nhau thôi, quan trọng người chơi biết điều tiết thời gian và cách chơi của mình sao cho an toàn. Cứ nghĩ theo hướng tích cực, trò chơi này giúp bạn đi ra ngoài nhiều hơn, phải vận động và hợp xu hướng hơn”. Còn anh Lê Duy Minh (31 tuổi) đang làm việc tại tòa nhà chi nhánh 2 Nguyễn Thái Bình lại cho rằng: “Giới trẻ đang chơi Pokémon Go theo trào lưu bởi nhiều bạn thích thú với trò chơi lạ. Theo tôi, trò chơi này tưởng vui, không gây hại nhưng lại rất nguy hiểm. Cứ ra đường là thấy nhiều bạn cắm cúi, dán mắt vào điện thoại mà đi, chẳng thèm để ý hay nhìn gì xung quanh. Một số trường hợp té, bị giật điện thoại đã có nhưng chưa có cơ quan chức năng nào khuyến cáo để hạn chế trò chơi này cả. Sẽ còn xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc khi trò chơi này ngày càng khiến các bạn trẻ phát cuồng. Thật tình tôi thấy nhiều người trẻ hiện nay rất rảnh rỗi. Thay vì ra công viên cầm smartphone đuổi theo cái con Pokémon đó, chúng ta nên dành thời gian để làm những việc khác có ích hơn”.

TIỂU TÂN (ghi)

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục