Quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 28-2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hội nghị quán triệt nội dung 2 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hội nghị được kết nối trực tuyến trên 400 điểm cầu và trên 18.300 đảng viên tham dự.

Giới thiệu cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Cuốn sách dày 747 trang, gồm 3 phần hàm chứa nhiều nội dung rất quan trọng về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; là “cẩm nang” cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, cán bộ trong hệ thống mặt trận, nhân dân nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn. Trên tinh thần đó, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững một số nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phân tích sâu sắc trong cuốn sách.

Với cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho biết, cuốn sách dày hơn 800 trang, với hơn 150 bài viết, 150 ảnh minh họa. Cuốn sách đã tổng kết các đặc điểm quan trọng về quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng; những nhiệm vụ trọng tâm, về vai trò tiên phong của đối ngoại... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đúc kết hình tượng “cây tre Việt Nam” trong bản sắc đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, đó là: vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, là phong cách, nghệ thuật ứng xử ngoại giao. Trong đó, nguyên tắc căn bản là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến”.

Tin cùng chuyên mục