Quốc hội thảo luận về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội: Cần cân nhắc kỹ tính thực tế

Đô thị hóa mạnh mẽ, nông thôn sẽ ra sao?

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại thảo luận tổ chiều qua, 3-6. Nhiều ĐB cho rằng, Quốc hội (QH) đã thông qua việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô thì bước tất yếu tiếp theo là xây dựng đồ án quy hoạch, song vẫn bày tỏ băn khoăn về việc một quy hoạch “khổng lồ” được chuẩn bị trong điều kiện thời gian hạn hẹp và chưa có sự gắn kết với một quy hoạch hết sức quan trọng khác: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thủ đô trong cùng thời kỳ. Các nhóm vấn đề được đề cập đến tại nhiều tổ ĐBQH liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, định hướng phân khu chức năng; khả năng thu xếp vốn trong từng giai đoạn...

Đô thị hóa mạnh mẽ, nông thôn sẽ ra sao?

Một mặt đồng tình với nhiều nội dung trong bản đồ án, mặt khác, ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) tỏ ra quan ngại: “Thủ đô hiện nay còn có nhiều vùng nông thôn, làm thế nào để các vùng đó theo kịp đô thị chung quanh? Trong đồ án này tôi chưa thấy nêu ra các tiêu chí cụ thể. Tôi cho rằng phải chú ý đầu tư cho hạ tầng, chú ý đến môi trường và phát triển làng nghề (Hà Nội giờ là địa phương nhiều làng nghề nhất trong cả nước). Cơ cấu kinh tế, lao động sẽ như thế nào? Bố trí công ăn việc làm cho người dân trong vùng quy hoạch và chuẩn bị nguồn nhân lực thích hợp với điều kiện sống mới ra sao?”.

Trong khi đó, các ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) lại chưa yên tâm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích rất lớn đất lúa. Ông Nhượng e ngại: “Như thế này là bê tông hóa một diện tích đất lúa, đất trồng cây xanh rất lớn, trong khi lại đặt ra mục tiêu rất tham vọng là giữ khoảng 70% diện tích xanh, có mâu thuẫn không”? ĐB Nhượng còn đặc biệt lưu ý đến khâu quản lý quy hoạch, cho rằng do thời hạn thực hiện khá xa, thậm chí “sẽ kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chính quyền” nên đây thực sự là thách thức không nhỏ. 

Trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Ba Vì: Cần xem xét lại!

Đây là quan điểm được khá nhiều ĐBQH bày tỏ. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Cử tri và cá nhân tôi cũng rất băn khoăn về trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì. Nhiều người dân đề nghị giải thích rõ ràng, minh bạch tại sao lại xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, vì những lý do nêu ra trong đồ án chưa thật sự thuyết phục. Trục Thăng Long chạy song song với đường Láng – Hòa Lạc và quốc lộ 32, chỉ cách hai đường này 3-4 km, lại chạy giữa hành lang xanh. Tôi đề nghị làm rõ tính kinh tế của việc xây dựng trục này”.

Cũng là một người rất am tường địa bàn thủ đô, ĐB Phạm Thị Loan nhận định: “Tôi nhìn 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội xem có cái gì mới so với hiện tại không, nhưng không có gì mới. Trục Thăng Long chưa xây dựng nhưng hai bên đều có dự án cả rồi, họ đang xây nhà biệt thự, villa cao cấp để bán. Liệu có phải là hợp thức hóa các dự án đã cấp phép rồi hay không? Còn về việc đưa trung tâm hành chính về Ba Vì rất cách trở. Bảo 10 năm nữa có tàu điện ngầm, tôi cho không khả thi”.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Đào phát biểu: “Tôi không ủng hộ cái gì lãng mạn quá”. Theo ĐB này, việc đưa các quan chức hành chính và trí thức lên Ba Vì là một ý tưởng không thực tế. Ông Đào cho rằng, “vẽ ra cho đẹp” mà không có sự tuyên truyền, giải thích đầy đủ với nhân dân, đồ án quy hoạch không những trở thành “treo” mà chắc chắn còn tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, vốn đang khá rối ren.

Vốn đâu cho đủ?

90 tỷ USD – số vốn mà Chính phủ dự kiến cần có để đầu tư thực hiện đồ án quy hoạch – được nhiều ĐB coi là “cực lớn, nhưng chưa chắc đã đủ”. ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang) chỉ ra mâu thuẫn giữa ước vọng có một thủ đô đẹp đẽ, hiện đại văn minh với nguồn lực thực tế. “Trong khi đó, người dân vùng sâu vùng xa còn đang rất thiếu thốn”, bà Nái nhấn mạnh. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Hoàng Thám (TPHCM) khi ông cho rằng không nên và cũng không thể “hy sinh” những mục tiêu thiết yếu khác để dồn vốn xây dựng một đô thị quá kỳ vĩ, quá hiện đại so với tiềm lực thực tế của nước ta.

ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) đề nghị, Chính phủ cần làm rõ cơ cấu vốn huy động cho đồ án, bao nhiêu phần trăm là phải đi vay, lộ trình trả nợ ra sao. Với tinh thần thận trọng, bà Chư đề nghị Chính phủ tổ chức tập hợp và nghiên cứu thêm ý kiến các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân thủ đô Hà Nội và tìm hiểu thêm kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn được mô hình thích hợp.

Tại buổi thảo luận tổ ĐBQH TPHCM, ý kiến của ĐB Trần Du Lịch nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB. Ông Lịch bày tỏ băn khoăn về định hướng phát triển các khu vực nông thôn của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa hết sức mạnh mẽ một khi quy hoạch được thực hiện.

ĐB Trần Du Lịch nói: “10 năm gần đây các tỉnh thành xây dựng rất nhiều khu đô thị mới, chuyển đổi hàng ngàn hécta đất ruộng mà đô chưa ra đô, thị chưa có thị. Rồi theo đồ án, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh, bằng khoảng 5 thành phố Đà Nẵng, như vậy có khả thi không? Chùm đô thị này được kết nối với đô thị trung tâm như thế nào? Mô hình tổ chức chùm đô thị là tốt nhưng chưa thấy đề cập cơ chế, thể chế quản lý, mà cái này là cực kỳ quan trọng, quyết định việc có thực hiện được quy hoạch hay không. Điều đáng quan ngại nữa là với 70% dân số ở đô thị, việc chuẩn bị cho những người nông dân hiện nay trở thành thị dân sẽ như thế nào? Nguồn lực để thực hiện được tính toán như thế nào, với chi phí giải phóng mặt bằng cao ngất như hiện nay tôi không tin là 90 tỷ USD mà đủ”.

Anh Thư

Thông tin liên quan:

>> Chính phủ trình Quốc hội đồ án quy hoạch thủ đô - Tránh tác động đột biến về giá đất

Tin cùng chuyên mục