Chính phủ họp thường kỳ tháng 6
Ngày 27-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6. Phiên họp theo hình thức trực tuyến, được mở rộng với tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Trong ngày đầu tiên, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2013; kiểm điểm công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng.
Lạm phát không còn lo ngại lớn
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý 2 lên 5%, cao hơn mức tăng của quý 1 và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. Sau 7 tháng tăng liên tiếp, CPI đã giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3-2013 đến nay.
Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón... và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Về chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 2 tới nay. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất cải thiện đáng kể. “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã dần có tác dụng, tạo niềm tin của các nhà đầu tư. Sản xuất kinh doanh đã dần cải thiện dù còn nhiều khó khăn” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định. Mừng nhất là sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần.
Không để nông sản gặp khó
Đáng ngại hiện nay là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, quý II tăng 2,2%, thấp hơn quý I (2,6%). Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thị trường xuất khẩu nông sản hiện đang giảm, cả về lượng và giá. Đây cũng là vấn đề được các thành viên Chính phủ, các địa phương trăn trở tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng, cả sản xuất lương thực và chăn nuôi đều gặp khó, nguyên nhân là do tập quán canh tác của nông dân vẫn tự phát, không theo thị trường; vấn đề chăm sóc, hỗ trợ nông dân về thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật còn kém; bảo vệ hàng nông sản trong nước chưa tốt khi cho nhập cả nông sản trong nước sản xuất được, khiến sản xuất trong nước trì trệ.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trăn trở: “24 năm xuất khẩu gạo nhưng chưa có thương hiệu. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều lúng túng lắm. Sản xuất cái gì, bán ở đâu, nông dân rất bị động. Các bộ phải vào cuộc để người nông dân đỡ khổ. Bộ Công thương phải lo khâu thị trường cho bà con. còn giống lúa Bộ NN-PTNT phải lo. Đừng để bà con loay hoay”.
Ghi nhận các đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, phát triển nông nghiệp cần nhiều giải pháp dài hạn, tái cơ cấu sản xuất, chuyển dần sang nuôi trồng những gì thị trường cần.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nên tính toán lại quy hoạch ngành nông nghiệp. Sản xuất lúa gạo chẳng hạn, yêu cầu trước mắt là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, còn xuất khẩu thì nếu có lợi mới làm, chứ không nên làm nhiều quá. Thực tế, hiện nay nhiều nơi dân chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp hiệu quả thì nên khuyến khích.
Khắc phục căn bệnh chính sách chậm đi vào cuộc sống
Các địa phương cũng đã thẳng thắn kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong điều hành các giải pháp cuối năm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh phân tích, với tình hình hiện nay, nếu không huy động, kích cầu đầu tư để đưa vốn vào sản xuất thì khó giải quyết triệt để tình hình. 6 tháng qua, tăng trưởng tiền gửi tăng 8,18%, nhưng tăng trưởng tín dụng đầu tư tăng chỉ 3,34%, cho thấy nguồn lực xã hội chưa được đưa vào lưu thông. Thực tế, nguồn vốn hiện nay ở các ngân hàng là có, lãi suất giảm nhưng DN vẫn không vay được vì vướng nợ xấu. Đó là nút thắt cần giải quyết.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng, 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần chuyển hướng linh hoạt hơn trong điều hành. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có nhiều tháo gỡ khó khăn cho tín dụng nhưng thực tế các giải pháp này chưa đi vào cuộc sống bao nhiêu. Về mặt tài khóa cần tạo điều kiện cho các địa phương kích cầu xây dựng cơ bản, như thế sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực, một mũi tên trúng nhiều đích và nêu quan điểm, có thể chấp nhận mức lạm phát 7-8% để bảo đảm tăng trưởng phù hợp.
Một vấn đề chung được cả Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương chỉ ra, đó là việc tổ chức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thị trường vừa qua còn chậm trễ, khiến hiệu quả chưa cao, và điều này cần phải thay đổi trong điều hành 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, căn bệnh cũ chưa được chữa đó là các cơ chế, chính sách rất chậm đi vào cuộc sống.
Quyết tâm đạt kế hoạch đề ra
Các thành viên Chính phủ cũng như các địa phương đều chung nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tình hình thu ngân sách rất khó khăn, kể cả phương án tích cực thì khả năng năm nay vẫn hụt thu 65.000 tỷ đồng so với kế hoạch, vì thế các ngành, các địa phương phải hết sức triển khai các giải pháp chống thất thu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, qua 6 tháng thực hiện cho thấy chúng ta lựa chọn mục tiêu, giải pháp đúng, kinh tế vĩ mô đã đi đúng hướng. Vấn đề là triển khai nhanh Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương ưu tiên giải phóng mặt bằng, làm càng nhanh thì càng giải ngân nhanh. Chính phủ sẽ xem xét cho ứng một phần vốn trước nhưng phải bảo đảm không để nợ đọng, nợ xấu. Các địa phương cũng cần quan tâm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng, trong 6 tháng qua, việc thể chế hóa các chủ trương còn chậm, vì thế cần rút kinh nghiệm, quyết liệt hơn trong triển khai, cụ thể các chủ trương, chính sách. Cần “tăng tốc” hơn trong triển khai các chính sách. Thủ tướng khẳng định hiện chưa đề cập vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu, kể cả mục tiêu tăng trưởng GDP dù biết rất khó khăn. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý. Giảm lãi suất ở mức hợp lý, nhưng phải bảo đảm lãi suất thực dương. Tăng dư nợ tín dụng mức 12%/năm nhưng phải bảo đảm đưa vốn vào đúng các DN có khả năng hấp thụ vốn, có nhu cầu thực sự.
Thủ tướng nhắc lại, các địa phương phải hết sức chú trọng khâu giải phóng mặt bằng, chính khâu này đang làm ách tắc nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nhà ga Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, Hà Nội - Hải Phòng. Thủ tướng cũng cho biết, kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm.
Riêng về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, DN, Thủ tướng yêu cầu thực thi nhanh các giải pháp về thuế; xử lý nhanh nợ xấu, hàng tồn kho. Cùng với đó, Bộ NN-PTNT tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, chỉ rõ từng vùng, từng loại cây - con. Trồng lúa nếu không hiệu quả thì có thể chuyển đổi sang trồng hoa, trồng cỏ.
PHAN THẢO