Trong năm 2019, 31 quốc gia EU gia nhập hệ thống nói trên đã đưa ra 2.243 cảnh báo về các sản phẩm nguy hiểm trên thị trường EU (tăng 10% so với năm 2018).
Trong đó, có tới 29% cảnh báo liên quan các sản phẩm đồ chơi. Cảnh báo giúp các cơ quan chuyên môn đưa ra các biện pháp như thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm độc hại. Xếp sau đồ chơi là các máy móc cơ giới (chiếm 23%) và đồ điện gia dụng (chiếm 8%).
Những nguyên nhân chính khiến sản phẩm bị cảnh báo gồm dễ gây chấn thương (19%), gây bỏng cho người dùng (18%) và gây cháy nổ (18%).
Theo Văn phòng châu Âu các liên minh người tiêu dùng (BEUC), những cảnh báo trên chỉ là phần nổi của tảng băng hàng hóa kém chất lượng len lỏi vào thị trường châu Âu. Rất nhiều sản phẩm nguy hại vẫn chưa bị “vạch mặt, chỉ tên”. Tình hình càng khó kiểm soát do hoạt động mua bán qua mạng, hàng hóa được gửi thẳng cho người mua.
Văn phòng Môi trường châu Âu (EEB) cho biết đã cấm lưu hành 248 mẫu đồ chơi trong năm ngoái. Trong đó, có đến 228 mẫu (92%) có xuất xứ từ Trung Quốc; 51% trong số này có chứa hóa chất gây hại dị ứng, rối loạn nội tiết như phthalates. Theo quy định của EU, đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm.