SATRA – AN GIANG: Hợp tác - nâng cao giá trị nông sản

Ngày 11-3, đoàn cán bộ tỉnh An Giang do đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) tại TP.HCM sơ kết 2 năm thực hiện chương trình liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ. Đánh giá bước đầu của đại diện lãnh đạo hai bên về chương trình liên kết có hướng phát triển rất khả quan.
SATRA – AN GIANG: Hợp tác - nâng cao giá trị nông sản

Ngày 11-3, đoàn cán bộ tỉnh An Giang do đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) tại TP.HCM sơ kết 2 năm thực hiện chương trình liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ. Đánh giá bước đầu của đại diện lãnh đạo hai bên về chương trình liên kết có hướng phát triển rất khả quan.

SATRA – AN GIANG: Hợp tác - nâng cao giá trị nông sản ảnh 1

Ký kết hợp tác liên kết sản xuất – tiêu thụ hàng hóa giữa Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và tỉnh An Giang.

Nông dân hưởng ứng

Trong 2 năm qua, SATRA và tỉnh An Giang đã triển khai ba đề án chuỗi liên kết gồm: tiêu thụ đa dạng hóa sản phẩm rau màu; tiêu thụ tôm càng xanh, cá nước ngọt; sản xuất tiêu thụ gạo đặc sản Jasmine.

Huyện Châu Phú - An Giang là một trong những địa phương được triển khai đề án thí điểm chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ rau màu. Đề án được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải - Cofidec (SATRA). Trong quá trình triển khai, nông dân được cung ứng giống, kỹ thuật, cung cấp một số công cụ dùng để thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đậu bắp giống Nhật trồng thí điểm tại 2 xã Khánh Hòa, Bình Thủy với diện tích 16ha.

Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, do là mô hình mới nên ban đầu bà con còn nhiều bỡ ngỡ. Với quyết tâm thực hiện, huyện đã tổ chức cho 30 nông dân đến tỉnh Trà Vinh để tham quan hiệu quả của mô hình này. Bên cạnh đó, xã Bình Thủy thành lập tổ hợp tác vận động nông dân đăng ký tham gia. Từ tháng 3-2012, có 40 nông dân đã ký hợp đồng chính thức với Công ty Cofidec với giá bao tiêu sản phẩm. Sau 40 ngày, cây đậu bắp bắt đầu cho thu hoạch, năng suất 12 tấn/ha; sau khi trừ chi phí mỗi hécta hơn 30 triệu đồng, nông dân còn lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha.

“Đây là mô hình đầu tiên của huyện được thực hiện dưới hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Châu Phú rất “mê” mô hình này! Dù kết quả ban đầu còn khiêm tốn, song đã nói lên được tính hiệu quả của chuỗi liên kết rau màu” - ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú chia sẻ.

SATRA – AN GIANG: Hợp tác - nâng cao giá trị nông sản ảnh 2

Gạo Global của SATRA-1 trong nưhnxg sản phẩm có sự liên kết với An Giang

Doanh nghiệp – nông dân cùng có lợi

Theo đại diện lãnh đạo SATRA, Chuỗi liên kết rau màu trước tiên áp dụng với loại sản phẩm cây đậu bắp, cây cà tím giống Nhật với diện tích 50 ha, sau đó sẽ mở rộng thêm một số loại hoa màu khác như ớt trái, mướp đắng, khoai lang… Đối với gạo đặc sản Jasmine, giai đoạn 2012 – 2013, tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện Châu Phú, giai đoạn 2 mở rộng thêm huyện Châu Thành và TP. Long Xuyên, giai đoạn 3 sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 4.500ha trồng lúa thơm đặc sản Jasmine xuất sang thị trường một số nước.

Riêng mặt hàng tôm càng xanh, dự kiến triển khai tập trung tại huyện Thoại Sơn, quy mô giai đoạn 1 (50ha), giai đoạn 2 (140ha), các loại sản phẩm cá nước ngọt như cá lóc, cá tra, cá rô phi tập trung nuôi trồng tại huyện Châu Thành, Chợ Mới.

 

 SATRA khai trương cửa hàng SATRAFOODS thứ 34

Ngày 12-3, SATRA tiếp tục ra mắt cửa hàng SATRAFOODS thứ 34 tại địa chỉ 278A Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, TPHCM. Đây là cửa hàng SATRAFOODS thứ 2 trên địa bàn quận 6.

Cửa hàng SATRAFOODS Nguyễn Văn Luông kinh doanh khoảng 2.000 mặt hàng, trong đó 80% là thực phẩm và 20% là phi thực phẩm với 9 mặt hàng thiết yếu bình ổn giá của TP. Với hệ thống tủ đông hiện đại, công nghệ bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn, chuỗi cửa hàng SATRAFOODS luôn thực hiện tốt tiêu chí “Hàng tận gốc - tươi mỗi ngày”.

Nhân dịp khai trương SATRAFOODS thứ 34, bên cạnh chương trình ưu đãi giảm giá lên đến 38% các sản phẩm từ ngày 12 đến ngày 23-3, với mỗi hóa đơn mua hàng trên 200.000 đồng trong 3 ngày 12, 13 và 14-3 khách hàng sẽ nhận được phiếu bốc thăm với tỉ lệ trúng thưởng 100%.

 

Ngoài ra, năm 2014, Công ty Vissan và UBND huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Châu Phú ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm bò thương phẩm; Công ty CP Bao bì Sài Gòn ký hợp tác về cung ứng nhà kính hỗ trợ cho ứng dụng công nghệ cao. Đến nay đã có 5 đơn vị thành viên của SATRA tham gia đề án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với An Giang.

Theo Phó Tổng Giám đốc SATRA Trần Văn Bắc, trong chuỗi liên kết này nông dân sẽ được doanh nghiệp đầu tư cung cấp nguyên vật liệu đầu vào như cây con giống, phân bón, phổ biến quy trình kỹ thuật... Trong quá trình sản xuất, các cán bộ, kỹ thuật viên của doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Chính vì vậy, nhiều sản phẩm xuất sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, châu Âu… rất khắt khe về chất lượng nhưng các sản phẩm trong chuỗi liên kết xuất đi luôn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và được bạn hàng tín nhiệm.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang khẳng định: “Chương trình được bà con nông dân ủng hộ vì mô hình chuỗi liên kết đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế, tăng giá trị nông sản, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người nông dân”.

 ° Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang Phan Văn Sáu: Thủy chung – nền tảng gắn bó lâu dài

Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với một tập đoàn lớn như SATRA là cần thiết, phù hợp với chủ trương của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thay mặt Tỉnh ủy, tôi hết sức trân trọng và bày tỏ sự cám ơn SATRA. Sự chung thủy là hết sức quan trọng. Hai bên đều phải giữ lời hứa, đặc biệt là nông dân tỉnh nhà. Những vấn đề đã cam kết với doanh nghiệp thì dù giá nào cũng phải thực hiện - đó là nền tảng của mối quan hệ lâu dài. Tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương, các sở ngành tỉnh sớm cùng với SATRA triển khai thí điểm các dự án, tiến tới mở rộng và hợp tác toàn diện khi điều kiện phù hợp, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân đảm bảo quy trình nuôi trồng, canh tác, không vì lợi nhuận tức thời mà “làm ẩu”, khiến sản phẩm kém chất lượng, mất tuy tín tỉnh nhà, uy tín doanh nghiệp.

° Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng: Sẽ tạo ra cơ hội có tính chất đột phá

An Giang là tỉnh có dân số đứng hàng thứ 6 cả nước. Diện tích đất canh tác dành riêng cho nông nghiệp khoảng 236.000ha. Năm nào nông nghiệp tốt, có nghĩa sản phẩm tốt, giá tốt, thu nhập nông dân tốt thì tác động đến thương mại toàn tỉnh và ngược lại, nông dân gặp rất nhiều khó khăn nếu nông nghiệp không tốt. Việc đẩy mạnh hợp tác với SATRA sẽ tạo ra cơ hội có tính chất đột phá nhằm hướng đến mục tiêu phát triển mô hình liên kết sản xuất cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Dư địa để phát triển nông nghiệp chất lượng cao của địa phương còn rất lớn, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để gắn kết mối liên kết giữa nông dân và SATRA với tinh thần cùng chia sẻ lợi ích. Lãnh đạo tỉnh sẽ yêu cầu các sở và địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, đóng góp hoàn chỉnh các dự án liên kết và phối hợp tốt với SATRA triển khai thực hiện, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân và doanh nghiệp.

° Chủ tịch HĐTV SATRA Lê Tùng: Lợi ích của doanh nghiệp dựa trên lợi ích của nông dân

Mô hình đã đem lại lợi ích và hiệu quả kinh tế đáng kể, nâng cao đời sống cho nông dân An Giang đồng thời ổn định đầu vào cho SATRA trên cơ sở “Liên kết - hợp tác - bình đẳng - cùng có lợi và cùng phát triển”. Mấu chốt của vấn đề là luôn đảm bảo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Cái lợi của doanh nghiệp phải xây dựng dựa trên lợi ích của người nông dân. Doanh nghiệp muốn xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao thì phải xây dựng ngay từ khâu con giống, kỹ thuật đến đảm bảo đầu ra để bà con yên tâm sản xuất. Để liên kết bền vững, phải đảm bảo bằng những nguyên tắc, hợp đồng cam kết đầy đủ. Ngoài ra, cái khó của bà con nông dân luôn nằm ở khâu vốn và tiêu thụ, nắm được mấu chốt này và gỡ khó cho người nông dân thì chắc chắn thỏa thuận hợp tác sẽ đạt được.

 NGỌC LAN

Tin cùng chuyên mục