Tờ Inquirer dẫn nguồn tin của Hội đồng quản lý và giảm nhẹ thiên tai Philippines (NDRRMC), cho biết ít nhất có 3 người thiệt mạng, 7 người bị thương sau khi siêu bão Haiyan lớn nhất trong hơn 4 thập kỷ qua đổ bộ vào nước này ngày 8-11.
12 triệu người bị ảnh hưởng
Bão Haiyan tràn vào Cebu, TP lớn thứ 2 của Philippines, với sức gió 275km/giờ sau khi quét qua đảo Leyte và Samar. Jeff Masters, một chuyên gia về bão, giám đốc một trung tâm khí tượng học tại Mỹ, cho biết trước khi Haiyan đổ bộ vào đất liền, cơn bão đã di chuyển với tốc độ 313km/giờ, trở thành cơn bão nhiệt đới mạnh nhất được ghi nhận từ năm 1969 đến nay.
Cơ quan chức năng Philippines cho biết số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng lên do rất nhiều vùng tại Philippines hiện đã bị mất liên lạc. Hiện hàng triệu người tại Cebu đã phải rời bỏ nhà cửa, sống trong cảnh không có điện sinh hoạt. Nhiều ngôi nhà, đường sá bị hư hại nặng. Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên BBC cho biết tại Samar và Leyte, 2 địa phương cũng phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của siêu bão lần này, rất nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn. Mưa lớn khiến nhiều con đường tại đây chìm trong biển nước, giao thông bị chia cắt.
Ở tỉnh Samar, liên lạc giữa các ngôi làng, thị trấn đã bị cắt đứt. Tỉnh trưởng Samar Sharee Tan, cho biết toàn tỉnh đã bị cắt điện do cây đổ làm hỏng hệ thống cung cấp điện năng, giao thông bị đình trệ. Tại tỉnh Bohol, miền Trung Philippines, khoảng 5.000 người vẫn đang phải sống trong các lều dựng tạm sau khi nhà cửa của họ bị phá hủy trong trận động đất hồi tháng 10 vừa qua, giờ lại tiếp tục oằn mình gánh siêu bão.
Theo BBC, hơn 20 tỉnh của Philippines nằm trên đường đi của siêu bão Haiyan, khoảng 12 triệu người dân Philippines bị ảnh hưởng trong siêu bão lần này. Thiệt hại về kinh tế gây ra bởi Haiyan ước tính cũng không nhỏ. Cơ quan hàng không dân dụng Philippines cho hay 10 sân bay đã phải đóng cửa. 453 chuyến bay nội địa và quốc tế đã bị hủy bỏ. Dịch vụ chuyên chở bằng các phương tiện công cộng như xe buýt cũng phải dừng hoạt động. Trường học, công sở, cửa hàng tại miền Trung Philippines đều đóng cửa.
Chuẩn bị cứu hộ như thời chiến
Trước sức tàn phá ghê gớm của siêu bão Haiyan, NDRRMC, Bộ phát triển và trợ cấp xã hội Philippines đều được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu trợ. Lực lượng quân đội, nhân viên cứu hộ đã được triển khai. Tổng thống Philippins B.Aquino đã yêu cầu chuẩn bị công tác cứu hộ như thời chiến với 3 máy bay C-130 chở hàng cứu hộ, 32 trực thăng và máy bay cứu hộ túc trực cùng với 20 tàu hải quân.
Trong khi đó, cơ quan chức năng Philippines đã yêu cầu dừng toàn bộ dịch vụ bằng thuyền, phà và các hoạt động đánh bắt cá, thông báo cho ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Mưa lớn sẽ gây ra hiện tượng lở đất ở các khu vực vùng núi Philippines, đe dọa tính mạng của người dân. NDRRMC đã yêu cầu người dân và chính quyền địa phương không được phép chủ quan, phải chủ động đề phòng. Hiện việc tiếp cận hiện trường để cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn, khi gió to kèm theo mưa lớn khiến tầm nhìn bị hạn chế. Trong khi đó, những vùng chịu ảnh hưởng của siêu bão, giao thông bị chia cắt, đường sá bị phá hủy.
Theo Cục quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines, siêu bão Haiyan cũng sẽ ảnh hưởng tại thủ đô Manila khi gây mưa lớn, rồi di chuyển đến Busuanga ở Palawan trước khi ra khỏi Philippines vào tối cùng ngày. Sau đó, Haiyan sẽ mạnh lên khi đổ vào biển Đông, đe dọa Việt Nam và Trung Quốc. Trung bình, mỗi năm khoảng 20 cơn bão đổ bộ vào Philippines. Năm ngoái, bão Bopha đã san bằng 3 thị trấn duyên hải ở Mindanao làm 1.100 người thiệt mạng cùng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 1 tỷ USD. Haiyan là cơn bão thứ 24 trong năm nay đổ bộ vào Philippines.
| |
Đỗ Cao (tổng hợp)