Số người trong độ tuổi lao động không hoạt động kinh tế (không đi làm cũng như không tìm kiếm việc làm) đã tăng hơn 630.000 người kể từ năm 2019. Trái ngược với các quốc gia khác, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy số người này sẽ quay trở lại lao động, ngay cả khi lạm phát gia tăng, gây ra căng thẳng mới đối với tài chính của các hộ gia đình.
Theo xu hướng hiện tại, Anh sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có lực lượng lao động thấp hơn so với trước đại dịch. Hiện tại, Anh chỉ đứng sau Latvia và Thụy Sĩ.
Theo một phân tích dữ liệu của Viện Nghiên cứu tài chính Anh, sức khỏe yếu dường như không phải là động lực chính của làn sóng nghỉ hưu sớm này. Nhiều công nhân lớn tuổi cho biết, họ muốn thay đổi lối sống và có đủ khả năng để nghỉ hưu, trong khi những người khác cảm thấy họ bị ép buộc bởi các thông lệ tuyển dụng phân biệt tuổi tác hoặc văn hóa làm việc.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, hiện có kỷ lục 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động không tham gia thị trường lao động vì ốm đau dài hạn, tăng từ 2 triệu người vào mùa xuân năm 2019.
Nick Pahl, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y học nghề nghiệp của Vương quốc Anh, lưu ý, đã có sự gia tăng đáng kể các vấn đề về lưng và cổ, có thể là hậu quả của việc nhân viên văn phòng làm việc từ xa phải ngồi liên tục trước máy tính, cũng như sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Tình trạng sức khỏe của người dân Anh ngày càng xấu đi là một trường hợp khẩn cấp theo đúng nghĩa đen, với ít nhất 5,5 triệu người ở Anh đang chờ điều trị tại bệnh viện, cũng gây ra những tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Jonathan Haskel, một thành viên của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho rằng, dữ liệu chính thức đã đánh giá thấp mức độ không hoạt động liên quan đến sức khỏe, bởi vì sức khỏe thường là yếu tố cơ bản khi mọi người quyết định nghỉ hưu sớm.
Ông lập luận rằng, danh sách bệnh nhân đang chờ đợi trong nhiều tháng để được chữa bệnh tại Cơ quan Y tế công cộng Anh (NHS) làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động, thúc đẩy tăng lương và đe dọa tạo ra áp lực lạm phát ở Anh lâu hơn các quốc gia khác.
Anh đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, trong bối cảnh lạm phát đã lên tới 11,1%, mức cao nhất trong vòng 41 năm qua. Cơ quan Trách nhiệm ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính của Anh, hiện đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng của Anh trong trung hạn, lưu ý rằng một số diễn biến bất lợi có thể “bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến sức khỏe”.
Các chuyên gia thị trường lao động cho biết, phần lớn bất lợi này đối với nền kinh tế có thể tránh được nếu Chính phủ Anh và người sử dụng lao động có thêm các biện pháp để giúp những người có tình trạng sức khỏe tiếp tục làm việc, hoặc bắt đầu công việc mới.