Syria đẩy nhanh tiến trình tái thiết thời hậu chiến

Bên cạnh việc mở rộng hoạt động quân sự đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang đẩy nhanh tiến trình tái thiết đất nước trong năm 2019.

Chi phí khổng lồ

Theo tuyên bố của Tổng thống Bashar al- Assad, chi phí tái thiết Syria khoảng 250-400 tỷ USD. Chi phí khủng do cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng và khả năng phát triển công nghiệp của nước này. Tiến trình tái thiết ở Syria được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn do ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến chống phe đối lập và lực lượng khủng bố. Theo dự báo của giới chuyên gia, chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mất từ 10 - 15 năm, còn việc tái thiết lại các cơ sở hạ tầng, khôi phục lại nền kinh tế và đạt mức phát triển như hồi trước năm 2011 sẽ kéo dài hơn nữa và cần rất nhiều hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. 

Thủ đô Damascus của Syria 
 Trong khi phương Tây từ chối thẳng thừng việc hỗ trợ kinh phí tái thiết Syria, Nga và Iran - 2 đồng minh thân cận của Tổng thống Bashar al- Assad - đã nhanh chóng khởi động một số hoạt động hợp tác kinh tế thương mại và tuyên bố sẵn sàng tham gia tiến trình tái thiết. Kênh truyền hình Arab al-Mayadeen đưa tin, Nga và Syria đã ký kết các thỏa thuận, trong đó đồng tiền được sử dụng là đồng ruble của Nga và đồng bảng Syria, không có đồng USD. Phía Nga đã thảo luận nội dung về hợp tác công nghiệp, y tế, năng lượng và một số lĩnh vực khác của nền kinh tế trong quá trình tái thiết Syria sau nội chiến. Nga cũng quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng ở Syria trong một số dự án tái thiết và phát triển ngành đường sắt cũng như dự án xây dựng sân bay ở Tartus. Trong khi đó, Iran và Syria đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự và tái thiết. Bộ Đường bộ Iran cho biết, các công ty của nước này sẽ tham gia xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông ở Syria cũng như xây dựng 30.000 ngôi nhà. Theo báo Haaretz, một trong những mục tiêu ưu tiên của Iran là giành quyền kiểm soát ngành viễn thông Syria. Không chỉ có vậy, Iran cũng tìm thấy tiềm năng tại những khu đất nông nghiệp bị bỏ hoang do cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm. 


Ngoài Nga, Iran, Mỹ cũng đã từng cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết Syria. Tuy nhiên, sau quyết định rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này, giới quan sát ngờ vực về tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Mới đây, theo Aljazeera, ông Trump cho biết, Saudi Arabia sẽ dành số tiền cần thiết để thay thế Mỹ tái thiết Syria sau nội chiến. Trung Quốc cũng được cho là đang nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp cận nền kinh tế Syria và củng cố mối quan hệ địa chính trị thuận lợi cho tương lai.

Nối lại hoạt động ngoại giao 

Bên cạnh đó, Chính phủ Syria cũng đang tích cực nối lại hoạt động ngoại giao với cộng đồng các nước Arab. Theo các chuyên gia về Trung Đông, nỗ lực trên sẽ phần nào giúp phương Tây thay đổi quan điểm về Damascus và củng cố lợi thế của quân đội Syria. Đây còn là bước đi trong kế hoạch kêu gọi nguồn vốn tái thiết đất nước của Tổng thống Assad.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự khôi phục quan hệ giữa Syria và các nước Arab diễn ra vào tháng 12 năm ngoái khi Tổng thống Sudan Omar Bashir đến thăm thủ đô Damascus. Có thông tin cho rằng, Liên đoàn Arab có thể sẽ tái kết nạp Syria vào năm tới. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cũng vừa tuyên bố sẽ mở cửa đại sứ quán tại thủ đô của Syria. Phía Kuwait thì hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia Arab mở cửa trở lại đại sứ quán tại Damascus, nhưng động thái này sẽ cần được Liên đoàn Arab (AL) bật đèn xanh do tổ chức này đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria 7 năm trước. Các quốc gia Arab, trong đó có một số nước đã từng ủng hộ quân nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được cho là đang tìm cách hòa giải với Damascus sau khi lực lượng của Tổng thống Assad đang giành được ưu thế trong cuộc chiến.

Tin cùng chuyên mục