Các cuộc đấu khẩu giữa Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và Chính phủ Trung Quốc leo thang sau cuộc điện đàm lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua giữa một người đứng đầu Chính phủ sắp tới của Mỹ với người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Tiếp sau đó là những nhận định trên Twitter của ông Trump khi cho rằng Trung Quốc phá giá tiền tệ để tạo lợi thế trong quan hệ thương mại với Mỹ, khiến nước Mỹ mất hàng triệu việc làm và thâm hụt thương mại khổng lồ với Bắc Kinh.
Theo tờ The Wall Street Journal, điều này báo hiệu một mối quan hệ mới có khả năng đối địch hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ông Trump thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump từng gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” và có thể ông sẽ hướng tới trừng phạt Bắc Kinh với mức thuế áp đặt với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ từ 35% đến 45%.
Thâm hụt hàng năm về thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc hiện ở mức 320 tỷ USD. Điều này làm suy yếu nhu cầu mua các sản phẩm sản xuất tại Mỹ do đắt đỏ hơn hàng nhập khẩu Trung Quốc dẫn đến mất hàng triệu việc làm ở Mỹ. Theo Fox News, ông Trump phải chuẩn bị đối phó với thách thức này. Ông cũng nhận biết rằng hàng ngàn tỷ USD trong thặng dư thương mại mà Trung Quốc đã tích lũy được sẽ đổ vào chi tiêu quân sự, đe dọa vị thế của Mỹ trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào 20 cảng có khả năng để hải quân Trung Quốc dễ dàng tiếp cận ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã thành lập ngân hàng phát triển quốc tế châu Á, đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nền kinh tế ở châu Á, châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư trực tiếp. Đồng thời, Trung Quốc khuyến khích hơn nữa các hoạt động công nghệ cao tấn công vào năng lực cạnh tranh của Mỹ và châu Âu; mua lại các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ và đề ra các quy định ngặt nghèo với các công ty công nghệ nước ngoài, trong đó có các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
Nhưng theo CNN, các nhà phân tích nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sau khi nhậm chức xé bỏ bộ khung chiến lược quan hệ Trung - Mỹ kể từ khi Tổng thống Richard Nixon thiết lập 4 thập kỷ trước đây. Một ứng viên Ngoại trưởng chưa rõ ràng và nhóm cố vấn chính sách châu Á cũng chưa định hình thì khó có thể khẳng định chính sách của ông Trump sắp tới với châu Á nói chung và với Trung Quốc nói riêng. Tất nhiên, những bước đi trong vài ngày qua của ông Trump cũng cho thấy phần nào chính sách của ông với Trung Quốc. Và phía Trung Quốc, thông qua tờ Global Times, cũng không hề giấu diếm khả năng Bắc Kinh trả đũa. Theo đó, Trung Quốc có thể từ chối gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và áp đặt thuế đối với hàng hóa của Mỹ, cũng như gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không ngần ngại gia tăng các cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan và nhiều nơi khác.
Theo ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), quan hệ Mỹ - Trung suốt 8 năm qua, dưới thời Tổng thống Barack Obama gần như không có bất trắc. Tuy nhiên, nếu có trục trặc nhỏ trong quan hệ Mỹ - Trung sắp tới cũng tốt, nhưng chắc chắn sẽ không vượt quá giới hạn và đó là sự tái cân bằng cần thiết.
KHÁNH MINH