Tâm thế của người anh hùng

1-
Tâm thế của người anh hùng

1- Tháng 9 năm ngoái, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Bùi Hữu Nghĩa mời tôi xuống cơ sở cơ khí của gia đình anh tọa lạc tại ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa (Long An) xem anh trình diễn sản phẩm cơ giới vừa sáng chế. Rất tiếc, tôi không thu xếp được công việc để nhận lời với anh.

Biết không thể thất hứa với anh, đầu năm 2013 tôi cưỡi xe gắn máy theo đường N.2 nhắm hướng Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa trực chỉ. Trong hơi sương chưa kịp tan, những sợi nắng màu bạc dường như cũng nhẹ hơn.Và gió thì cứ hiu hiu lượn lờ quanh những trang trại mía trải tít tắp hai bờ kinh Bình Thành báo hiệu mùa ủ mật trên vùng đất chua phèn. Đụng cầu Ông Lân, tôi dừng xe trước tấm biển “Cơ sở cơ khí Chín Nghĩa”. Thấy tôi, Bùi Hữu Nghĩa ngoắc tay kêu tôi lại chỗ anh đang vô dầu chiếc máy vừa ra lò, nước sơn còn cáu cạnh.

– Đây, sản phẩm tôi mới chế tạo. Bữa đưa máy sang Thạnh Hóa trình diễn mà anh không lên xem, tiếc quá! - Bùi Hữu Nghĩa nói.

– Hôm nay tôi lên chuộc lỗi, được không? - tôi phân bua.

2- Đưa tôi đi vòng quanh “máy gặt đay” do anh chế tạo rồi kéo tôi ngồi bệt xuống đám cỏ xanh non, Bùi Hữu Nghĩa thủ thỉ kể lại ước mơ giúp người trồng đay Đồng Tháp Mười không phải ngâm mình trong lũ chặt từng cây đay cao bốn, năm thước sau gần nửa năm xuống giống, chăm sóc.

Anh Bùi Hữu Nghĩa bên máy gặt đay do anh chế tạo.

Anh Bùi Hữu Nghĩa bên máy gặt đay do anh chế tạo.

Biết Bùi Hữu Nghĩa có ý tưởng sáng chế “máy gặt đay”, Sở Công nghiệp Long An trước đây cử cán bộ vô Đồng Tháp Mười động viên và khuyên anh cải tiến “máy gặt xếp dãy” thành “máy gặt đay” đồng thời trích kinh phí khuyến công hỗ trợ. “Tôi từ chối nhận tài trợ vì biết việc cải tiến như vậy không đưa lại hiệu quả” - Bùi Hữu Nghĩa kể.

Anh lý giải, thân cây đay cao gấp 3 - 4 lần cây lúa, lại cứng hơn lúa, lúc thao tác thu hoạch rất khó tách thành từng luồng nếu sử dụng nguyên tắc cắt như máy gặt xếp dãy. Để có máy phục vụ thu hoạch đay trong khi Bùi Hữu Nghĩa từ chối, Sở Công nghiệp Long An phải tìm đối tác khác tiến hành cải tiến máy gặt xếp dãy làm máy gặt đay, tiền tài trợ lên tới 60 triệu đồng. Sau nhiều lần đưa vô ruộng đay ở Đồng Tháp Mười thử nghiệm đều thất bại, nhà sản xuất đành chia tay với dự án này.

Trong khi đó, Bùi Hữu Nghĩa âm thầm bơi xuồng vô các xã vùng sâu ở huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa gặp nông dân trồng đay để tìm hiểu. Cách tiếp cận thực tế như vậy giúp anh tìm hiểu sâu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây đay so với cây lúa. Không những thế, anh còn đến gặp ban Giám đốc Công ty Bột giấy Phương Nam đang xây dựng tại ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa chỉ cách nhà anh mươi cây số để nắm nhu cầu thu mua đay nguyên liệu cùng diện tích đay nông dân sản xuất cung ứng cho nhà máy. Khi đã nắm tương đối đầy đủ kiến thức cơ bản về những vấn đề liên quan đến cây đay và người trồng đay, người anh hùng thời kỳ đổi mới - tác giả máy gặt xếp dãy và máy gặt đập liên hợp bắt tay thực hiện ước mơ của mình.

Tin tưởng cái tâm và cách suy nghĩ khoa học cũng như khả năng của Bùi Hữu Nghĩa, đích thân ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An gặp lại Bùi Hữu Nghĩa động viên anh chế tạo máy, đồng thời hứa trích 235 triệu đồng vốn của chương trình khuyến công hỗ trợ. “Lần này thì tôi nhận lời với Sở Công thương. Bởi tôi biết mình sẽ chế tạo thành công!” - Bùi Hữu Nghĩa tự tin quả quyết. Không giấu bí kíp, Bùi Hữu Nghĩa cho biết anh phải dựa vào chiều cao tối đa, độ cứng cây đay để nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các bộ phận máy từ dao cắt đến vận chuyển đay sau khi cắt ra phía sau rồi tự động xếp thành từng bó trọng lượng 30kg phân theo từng luồng theo đường tiến của máy một cách phù hợp, đồng bộ không ảnh hưởng tới diện tích chưa cắt.

– Chả lẽ trong khi chế tạo anh đưa máy vô vùng đay tít trên Mộc Hóa, Thạnh Hóa thử nghiệm từng chi tết máy? - tôi phản biện.

– Vợ tôi dành mấy công ruộng trước xưởng cơ khí chuyển từ cấy lúa sang trồng đay cho tôi làm mô hình thử nghiệm - Bùi Hữu Nghĩa giải thích.

Qua thử nghiệm, “máy gặt đay” thương hiệu Chín Nghĩa thu hoạch 0,8 - 1ha/giờ, tương đương 25 lao động thủ công và chỉ tốn 8 lít nhiên liệu. Máy tách nguyên liệu thành từng bó trọng lượng 30kg theo luồng, không ảnh hưởng diện tích chưa gặt.

Sau 6 tháng miệt mài chế tạo, tháng 9-2012 Bùi Hữu Nghĩa phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa đưa máy xuống ruộng đay của anh nông dân Trần Văn Hỏi ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Phước trình diễn trước sự chứng kiến của hàng trăm nông dân, chính quyền sở tại và cán bộ khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp và công thương Long An.

Máy gặt đay do anh Bùi Hữu Nghĩa chế tạo đang được ứng dụng ngoài đồng ruộng.

Máy gặt đay do anh Bùi Hữu Nghĩa chế tạo đang được ứng dụng ngoài đồng ruộng.

Tâm sự với tôi quanh “máy gặt đay”, Bùi Hữu Nghĩa nói một câu ngon trớn: “Nếu chỉ dừng ở sản phẩm máy gặt xếp dãy và gặt đập liên hợp thì danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới mà nhà nước phong tặng sẽ mai một dần. Thậm chí có người còn nói mình là anh hùng rơm. Vì thế, tôi phải sáng tạo vươn lên trước hết phục vụ cơ giới hóa thu hoạch các loại sản phẩm của nông dân làm ra”.

KHUYNH DIỆP

Tin cùng chuyên mục