Một giai đoạn mới
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump cho biết, hai bên đã nhất trí một “giai đoạn mới” trong quan hệ song phương c ũng như phối hợp hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động.
Hai bên cũng nhất trí phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu nành. Theo đó, EU sẽ bắt đầu mua đậu nành từ Mỹ. Theo Sputnik, một phái đoàn do Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker dẫn đầu đến Washington đã đồng ý mua thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, mở đường để đưa mức thuế của các mặt hàng không thuộc ngành xe hơi xuống 0% và đẩy mạnh việc mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định, EU sẽ “mua rất nhiều đậu nành“ trong thời gian tới và theo ông, thỏa thuận này giúp hoạt động thương mại Mỹ - EU trở nên “công bằng và tương hỗ hơn”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận, Mỹ sẽ không đánh thuế nhằm vào ô tô của Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch EC Juncker. Hai bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm thép và các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.
Về phần mình, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết tại cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ với Tổng thống Donald Trump, hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới việc phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Hai bên cũng nhất trí củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. EU nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ.
Trước khi quá muộn
Cuộc họp báo chung được xem là sự kết thúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Âu. Động thái này đã giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, theo đó các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường thế giới đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 26-7. Những lo ngại về tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn tạm được xoa dịu trước việc Mỹ và EU đã nhất trí giảm rào cản thương mại giữa hai bên. Giới phân tích cho rằng, những nhượng bộ của hai bên lần này là “bước lùi để tiến”, bởi lẽ Mỹ và EU đều nhận thấy việc hạ nhiệt căng thẳng hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, thậm chí cho cả nền kinh tế toàn cầu.
Một ngày trước đó, ngày 25-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo, những hậu quả lớn của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới dù chưa nhìn thấy ngay song sẽ xảy đến trong tương lai và phương hại kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ, ông Azevedo bày tỏ quan ngại rằng những hàng rào thương mại có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ thương mại quốc tế. Những tuyên bố của Tổng Giám đốc WTO được đưa ra trong bối cảnh 164 quốc gia thành viên WTO vừa công bố một báo cáo cho hay các biện pháp hạn chế thương mại đang gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ cũng vẫn duy trì thế đứng bên miệng hố chiến tranh thương mại với Trung Quốc; và ông Donald Trump chưa chấm dứt sự bất đồng giữa Mỹ với Mexico và Canada.
Thậm chí, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết đây là “tín hiệu tốt”, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả thực sự của cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).