Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 377.096 tỷ đồng, tăng 12,5%. Trước đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.045.789 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm trước (năm 2017 tăng 11,32%).
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển mạnh hệ thống kênh bán lẻ hiện đại. Đến nay, thành phố đã phát triển được 239 chợ, 203 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.279 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế số lượng điểm bán đạt 149/203 siêu thị (tỷ trọng 73%). Đối với hệ thống trung tâm thương mại, năm 2018 là mốc đánh dấu quan trọng việc các hệ thống trung tâm thương mại trong nước lần đầu tiên chiếm ưu thế về số lượng điểm bán - đạt 26/46 trung tâm thương mại (chiếm 57%). Các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao, trên 66%. Không dừng lại đó, ngành bán lẻ đang trải qua quá trình biến chuyển cùng mua sắm trực tuyến. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy mua sắm trực tuyến mạnh mẽ.
Điều này cho thấy, sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường thành phố là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa nói chung và lương thực thực phẩm nói riêng, Sở Công thương đã phối hợp nhiều tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Đăk Lăk… tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, đưa hàng hóa các tỉnh thành vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và đưa hàng hóa của thành phố vào hệ thống phân phối các tỉnh thành. Mặt khác, thông qua hoạt động kết nối giúp tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường thành phố; bổ sung nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu để đảm bảo bình ổn thị trường.
Ở góc độ khác, thành phố cũng yêu cầu các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất công nghiệp chủ lực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp các tỉnh xây dựng quy trình canh tác, sản xuất sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp của các tỉnh cũng được hỗ trợ triển khai giải pháp sơ chế tại nguồn, sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối; từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản thực phẩm khi vào thị trường TPHCM trong thời gian tới.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng bên cạnh những nỗ lực kết nối cung cầu hàng hóa cho thị trường tiêu dùng lớn nhất nước, thành phố cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, giảm lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ nội địa bằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ mạnh trong nước có cơ hội mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại; tăng thêm số lượng các cửa hàng mới tại các tỉnh thành... để các doanh nghiệp bán lẻ tăng lợi thế cạnh tranh và sức tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống giáo dục hiện nay trên địa bàn. Về lâu dài, thành phố nên có chủ trương chỉ đạo ngành giáo dục triển khai kết nối, đưa các sản phẩm của doanh nghiệp ngành thực phẩm uy tín, có thương hiệu tốt trên thị trường Việt Nam vào chuỗi cung cấp thực phẩm cho hệ thống giáo dục. Đây cũng là giải pháp để thế hệ trẻ có cơ hội được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe và phát triển về trí tuệ.