Tăng tốc xây trường cho năm học mới

Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng để xây dựng trường học nhưng theo thừa nhận của các quận, huyện, về lâu dài vẫn cần có chính sách phát triển trường lớp căn cơ hơn từ phía UBND TP.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp), một trong những trường có áp lực cao về sĩ số
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp), một trong những trường có áp lực cao về sĩ số
Năm học 2016-2017 kết thúc cũng là lúc các quận, huyện gấp rút có kế hoạch sửa chữa, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng trường lớp nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho người dân. Song, liệu những nỗ lực này có đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ học mỗi năm một tăng cao của các quận, huyện?
Thiếu đất, trường lớp vẫn mọc lên
Vừa qua, trong các buổi làm việc về thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với UBND các quận, huyện, thực tế trường lớp xây mới không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân một lần nữa được các đơn vị đề cập. 
Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận 10, cho biết do quận thuộc một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất TP, nhiều năm trở lại đây phát triển nhanh các dự án xây dựng cao ốc nên đất dành cho giáo dục càng khan hiếm. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, địa phương đang gấp rút hoàn thành 2 dự án xây dựng mới là Trường Tiểu học Điện Biên và Trường THCS Nguyễn Văn Tố, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018. Ngoài ra, quận cũng đang tiến hành cải tạo, sửa chữa 4 trường: Tiểu học Triệu Thị Trinh (hiện đang hoạt động với 3 điểm lẻ), Tiểu học Dương Minh Châu, THCS Trần Phú và THCS Cách Mạng Tháng Tám. Tương tự, ở quận 11, theo ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT quận, kế hoạch xây dựng trường lớp từ nay đến năm 2020 sẽ xây mới thêm 3 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 2 trường THCS và 2 THPT, với tổng kinh phí đầu tư xây mới hơn 573 tỷ đồng. 
Không kém cạnh, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết trong vòng 3 năm tới, quận 4 có 27 dự án xây dựng trường học, trong đó 16 dự án trường hoàn toàn xây mới, số còn lại là cải tạo, sửa chữa, qua đó góp phần giải bài toán trường học còn nhiều điểm lẻ vốn tồn tại nhiều năm qua ở địa phương. Riêng đối với quận 5, trong năm học 2017-2018 sẽ có thêm 2 công trình trường học đưa vào sử dụng là Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (phường 5) và Mầm non 10 (phường 10). Dự kiến trong năm 2018, quận tiếp tục triển khai dự án xây dựng mới Trường Tiểu học Nguyễn Trãi tại số 111A đường Nguyễn Trãi (phường 2), quy mô 1 tầng hầm, 1 trệt và 1 lầu với 20 phòng học văn hóa, tổng vốn đầu tư hơn 183 tỷ đồng. Ngoài ra, quận đang gấp rút hoàn tất thủ tục dự án xây dựng mới Trường Mầm non 11 với tổng mức đầu tư 8,7 tỷ đồng, tiến hành song song với việc chuẩn bị hồ sơ triển khai thêm 3 dự án xây dựng mới trường học gồm Mầm non 1, Mầm non 3 và Mầm non 6, nâng tổng số trường mầm non công lập trên địa bàn quận lên 25 trường. 
Giải pháp tạm thời cho bài toán quá tải 
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 7, trung bình một dự án xây mới trường học cần hai năm tính từ lúc lập kế hoạch, mời thầu, thiết kế bản vẽ đến khi đưa vào sử dụng, nhưng dân số năm nào cũng tăng. “Trước thực tế đất xây trường khan hiếm, chúng tôi chọn giải pháp nâng cấp trường hiện hữu, tăng số tầng cao hoặc mở rộng thêm phân hiệu”, bà Hiếu cho biết. Thêm vào đó, nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận 7 trước đây có bếp ăn tại trường nhưng hiện đều được cải tạo thành phòng học. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở đây cho biết, do áp lực sĩ số quá cao nên quận có chủ trương cải tạo phòng chức năng thành phòng học, việc ăn uống sẽ ký hợp đồng với bếp ăn công nghiệp để cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh. 
Một cách làm khác, theo ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, 2 trong số các dự án trường học xây mới sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới trên địa bàn quận là Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (phường 5) và Mầm non 10 (phường 10) đều có hồ sơ xây dựng xin vượt chuẩn tầng cao theo quy định. Cụ thể, cả 2 trường đều có quy mô xây dựng gồm 1 trệt, 4 lầu, vượt chuẩn quy định về giới hạn số tầng cao đối với hai bậc mầm non và tiểu học hiện nay (theo các quy định xây dựng hiện hành, trường mầm non và tiểu học có quy mô xây dựng tối đa là 1 trệt, 2 lầu - PV).
Đại diện địa phương cho biết, 2 tầng cao đầu sẽ ưu tiên bố trí phòng học để bảo đảm an toàn cho học sinh, 2 tầng tăng thêm vượt chuẩn được sử dụng làm phòng làm việc của ban giám hiệu, bố trí các khu vực nhà bếp, phòng giặt giũ, phòng chức năng… Trước đó, quận 5 đã có một đơn vị là Trường Tiểu học Hùng Vương đưa vào sử dụng từ năm học 2016-2017 có quy mô 5 tầng cao, 1 tầng hầm. Đây được xem là một trong những giải pháp mở rộng thêm số lượng phòng học, giải bài toán về áp lực sĩ số trên địa bàn.
Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng, tận dụng nhiều sáng kiến riêng để giải quyết tình trạng khan hiếm đất xây dựng trường học nhưng theo thừa nhận của các quận, huyện, về lâu dài vẫn cần thêm hướng dẫn, các chính sách phát triển trường lớp căn cơ hơn từ phía UBND TP. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thu hồi các dự án đất đai sử dụng không hiệu quả, ưu tiên bố trí đất dành cho giáo dục, tạo thêm cơ chế mở để địa phương chủ động hoán chuyển, quy hoạch các nguồn đất thay thế, qua đó góp phần đẩy mạnh các dự án xây dựng trường giải quyết chỗ học cho người dân trên địa bàn. 

Tin cùng chuyên mục