Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An, qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thực hiện hiệu quả, góp phần đưa hàng Việt lan tỏa tới cộng đồng người tiêu dùng.
Đó là mô hình vận động nông dân sử dụng phân bón Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, điểm mua bán hàng Việt tại hộ kinh doanh; tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP sử dụng phân bón Việt; công đoàn viên ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt gia đình; chương trình Tự hào hàng Việt của các cửa hàng bán lẻ...
Sở Công thương tỉnh Long An đánh giá, kết quả tích cực, đáng kể nhất sau 10 năm triển khai cuộc vận động là tư duy của các nhà sản xuất nội địa. Đây được xem là thời cơ vàng giúp doanh nghiệp (DN) củng cố niềm tin, tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện tỉnh có rất nhiều thương hiệu Việt “cất cánh” và nhận được sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong nước như trứng gà Ba Huân, thịt gà San Hà, dầu ăn nhãn hiệu An Long, pin năng lượng mặt trời RedSun...
Ở Cần Thơ, cuộc vận động cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Các DN dần nhận thức được tầm quan trọng của thị trường và người tiêu dùng nội địa, từ đó đầu tư nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng Việt, cải tiến phát triển sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã, chủng loại để bắt kịp thị hiếu và xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng nội địa. Đồng thời đầu tư nhiều hơn vào công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm.
Không riêng Cần Thơ, Long An, các địa phương trong vùng ĐBSCL đều quyết liệt thực hiện cuộc vận động bằng nhiều phương cách khác nhau và thu hút sự tham gia của DN, nhà sản xuất, phân phối. Như chia sẻ từ các DN, đây là một trong những cuộc vận động có mức độ lan tỏa sâu rộng.
Từ cuộc vận động, người tiêu dùng trong nước hạn chế được tâm lý sính hàng ngoại. Đặc biệt, cơ sở càng ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua chú trọng chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đưa thiết bị hiện đại vào sản xuất để hạ giá thành.
Theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, trong cuộc vận động này không thể bỏ qua vai trò các nhà phân phối, đây được xem là “cầu nối” giữa hàng Việt và người tiêu dùng Việt. Hệ thống phân phối đóng vai trò trung gian từ phía nhà sản xuất tới khách hàng và từ khách hàng truyền thông điệp trở lại nhà sản xuất. Đây là một trong những thành công lớn của cuộc vận động.
Đơn cử như hệ thống siêu thị Co.opmart, trong suốt 10 năm nay đã phát triển chiến lược “nội địa hóa”, hỗ trợ mạnh mẽ các DN Việt trong quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Song song với việc duy trì tỷ lệ hàng Việt trên quầy kệ hơn 90%, Saigon Co.op còn triển khai rất nhiều chương trình như đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên kinh doanh các sản phẩm Việt Nam và các đặc sản làng nghề; hỗ trợ trưng bày, quảng bá; hỗ trợ thực hiện các chương trình quảng bá dành riêng cho hàng Việt; hỗ trợ vốn, hướng dẫn, tư vấn cho các hợp tác xã, DN để bao tiêu sản phẩm.
Theo khẳng định của nhà bán lẻ này thì Saigon Co.op đang sở hữu gần 800 điểm bán, bao gồm rất nhiều mô hình (đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi…). Cùng với đó, Saigon Co.op còn liên tục mở rộng mạng lưới, cho nên lượng hàng phân phối ra thị trường mỗi ngày rất lớn. Để đảm bảo lượng hàng cung ứng ra thị trường, Saigon Co.op luôn tìm đến các nhà cung cấp địa phương, các đặc sản vùng miền…
Cuộc vận động đang ngày càng cho thấy những bước tiến mới khi vận động được nhiều thành phần DN, nhà phân phối và các tổ chức đoàn thể tham gia. Cuộc vận động đã làm tốt vai trò khi hướng tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, giúp hàng hóa trong nước có chỗ đứng vững chắc hơn trên sân nhà.