Tạo dựng bản sắc đô thị

Năm hết tết đến, đường hoa, hội hoa, chợ hoa trở thành không gian được nhiều người dân lui tới. Sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng local tour (được hiểu là du lịch tại địa phương) được đẩy mạnh, những không gian văn hóa công cộng ngày càng tương tác với người dân nhiều hơn, thể hiện vai trò trong việc tạo dựng bản sắc đô thị ngày càng rõ nét.

Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội Hoa xuân Tao Đàn có thể xem là hai điểm vui xuân truyền thống nhiều năm qua ở TPHCM.

Trong sự phát triển của bộ mặt đô thị hiện đại, nhiều không gian công cộng ở các quận huyện cũng bắt đầu khoác chiếc áo mừng xuân mới theo nhiều phong cách. Đặc biệt, các tiểu cảnh trang trí tái hiện không gian tết xưa được nhiều nơi chú trọng và phong tục ông Đồ cho chữ ngày xuân được đón nhận ngày càng nhiều ở các khu vực vui chơi công cộng.

Ngoài các điểm chợ hoa, khu vực sinh hoạt công cộng ở các hẻm, phường, khu dân cư… cũng được người dân chú trọng trang trí đón xuân. Đơn cử như quận 1 có hẳn hội thi “Góc phố ngày tết”, khuyến khích người dân trang trí các khu vực không gian công cộng quanh nơi mình sống, trang hoàng đón xuân. Hay huyện vùng ven như Bình Chánh tổ chức 11 điểm chợ hoa, hội hoa và đường hoa đáp ứng nhu cầu mua sắm và dạo phố cho người dân trên địa bàn.

Có thể thấy, trong nhịp sống đô thị, không gian văn hóa công cộng gắn bó với sinh hoạt của người dân ngày càng nhiều. Chính những không gian này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thẩm mỹ cộng đồng. Bởi đây là những khu vực rộng lớn, tiếp xúc thường xuyên với người dân địa phương cũng như du khách khi đến tham quan.

Song song với nền văn minh công nghiệp là sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đô thị, nhịp sống của con người trở nên nhanh hơn, rộng hơn và việc mở ra nhiều không gian văn hóa công cộng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt ngoài trời của người dân. Trong không gian sống nhiều sức ép của đô thị, kiến trúc cảnh quan và muôn hình vạn trạng các kiểu trang trí từ các tác phẩm nghệ thuật, mô hình, hoa kiểng, cây xanh… ở những không gian văn hóa công cộng sẽ đóng vai trò xoa dịu những căng thẳng tinh thần của con người.

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, TPHCM đã hoàn thành việc chỉnh trang cảnh quan khu vực trung tâm, tu bổ nhiều công trình như Cột cờ Thủ Ngữ, khu vực công viên bến Bạch Đằng, tượng Trần Hưng Đạo… mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này; đồng thời mở ra hướng quy hoạch chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn nhằm thay đổi cả hai bên bờ sông, không chỉ ở đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Bình Dương hay ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Cụm từ “trên bến dưới thuyền” nhiều năm qua trở thành thương hiệu cho chợ hoa xuân ở Bến Bình Đông (quận 8). Từ đầu năm 2022, “trên bến dưới thuyền” dần được nhắc đến nhiều hơn khi khu vực trung tâm thành phố từ Nhà hát thành phố sang phố đi bộ Nguyễn Huệ đến công viên bến Bạch Đằng, cảnh quan sông nước được mở biên rộng rãi cùng cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2)… thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách. Khu vực này cũng trở thành một trong những không gian văn hóa công cộng rộn ràng đón Tết Quý Mão 2023 sớm nhất trong thành phố, khi cảnh quan ở đây được trang trí đón xuân từ trước Tết Dương lịch, trở thành điểm check-in rộn ràng của người dân.

Từ những không gian văn hóa công cộng, bản sắc đô thị ngày càng định hình rõ nét hơn và trở thành điểm kết nối người dân và thành phố nhiều hơn. Những không gian này, cũng đã phản ánh nhịp sống, khả năng thụ hưởng và cảm thụ văn hóa của người dân thành phố. Và trong khoảnh khắc tết đến xuân về, những không gian này góp phần tô điểm rực rỡ thêm cho tấm áo cảnh quan đô thị.

Tin cùng chuyên mục