15 giờ ngày 29-5, chiếc tàu kéo từ từ tiến vào vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú Thanh Khê, Đà Nẵng, chủ tàu) vượt gần 30km đường thủy ra đảo Lý Sơn đón ngư dân và tàu cá. Cách chiếc tàu của bà Hoa chừng vài trăm mét, lấp ló dưới mặt nước biển là hai vệt màu đỏ nổi lên trên, dấu vết của chiếc tàu cá. Bà Hoa lặng người, nhìn chằm chằm vào chiếc tàu trị giá bạc tỷ nằm lặng im, lạnh lùng dưới đáy biển xoáy, nghẹn ngào!
Quay qua các ngư dân, đến từng người, nhìn thật kỹ để biết rằng những lao động đi trên chiếc tàu bị nạn vẫn khỏe mạnh. Chỉ đến khi bắt gặp chân tay ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên băng trắng toát, mắt bà Hoa đỏ hoe, ngân ngấn nước.
Thuyền trưởng tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm Đặng Văn Nhân cho biết, đội tàu đánh bắt của Đà Nẵng khoảng 30 chiếc, đang đánh bắt tại khu vực đảo Tri Tôn (Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ tàu của Trung Quốc xuất hiện xé nước cơ động cực nhanh về phía tàu cá. Linh tính chẳng lành, ông Nhân cho tàu cá mở hết tốc lực chạy tránh né mũi tàu nhọn của tàu Trung Quốc. 3 phút, 5 phút… dù đã cố hết sức, nhưng tất cả thuyền viên trên tàu đều nghe tiếng rầm khô khốc vang lên phía mũi tàu cá. Chiếc tàu cá lắc lư, chao đảo nhưng vẫn cố vùng thoát khỏi chiếc tàu vỏ sắt của Trung Quốc. Thấy đâm phát thứ nhất tàu cá vẫn còn chạy, tàu Trung Quốc quay qua mạn trái, đâm tiếp vào hông tàu. Lần này thì chiếc tàu cá vỏ gỗ không thể trụ vững trước cú đâm quá mạnh. Mạn trái tàu vỡ, lật úp. 10 ngư dân đi trên tàu cùng nhau nhảy xuống biển. Riêng anh Biên và anh Lê Văn Bình (19 tuổi), bị mắc kẹt trong cabin, chìm dần cùng tàu.
Anh Biên kể, tàu bị đâm vỡ, chìm quá nhanh. Khi đó, anh và Bình bị kẹt cứng; cửa cabin bị những thanh gỗ gãy do cú đâm chèn ngang dọc và sắc nhọn. Vẫy vùng dưới làn nước biển mặn chát giành giật sự sống nên những mũi sắc nhọn của gỗ tàu đâm, cứa vào chân tay không làm anh đau nhức. Khoảng 45 giây sau, anh mới thoát ra được cabin tàu và ngoi lên mặt nước. Hít hơi thật sâu định quay lại cứu Bình thì thấy Bình cũng trồi lên ngay phía sau, cả hai sau đó được tàu số hiệu Dna 90508 cứu lên tàu và được các tàu kiểm ngư Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ chăm sóc y tế.
Sau khi đâm chiếc tàu cá chìm, chiếc tàu của Trung Quốc còn lượn lờ thêm vài vòng nữa xem chiếc tàu cá chìm hẳn rồi mới quay mũi bỏ đi. Ngư dân Nguyễn Văn Xương, nhớ lại: “Tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm, thậm chí là cố tình khiến ngư dân bị nạn, tử thương. Nếu không, đã không đâm hai lần như thế”. Và dường như, chính hành động vô nhân đạo như vậy của tàu cá Trung Quốc lại khiến cho những ngư dân vốn can trường nay càng quả cảm hơn. Chiếc tàu thì đã chìm, nhưng nó không nhấn chìm được lòng yêu nước của những ngư dân. Bà Hoa gạt nước mắt nói: “Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, gia đình sẽ vay, gom tiền đóng tàu mới để sớm quay lại vùng biển Hoàng Sa”.
Cùng đến thăm và tặng quà cho các ngư dân đi trên tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Chính ủy Vùng cảnh sát biển 2 Trần Văn Dũng cho rằng: “Đâm tàu chìm, bỏ mặc ngư dân rơi xuống biển rồi bỏ đi đó là hành động vô nhân đạo. Có lẽ trên thế giới chưa có hành động nào tương tự xảy ra. Bởi theo đạo lý thông thường, khi thấy hoạn nạn trên biển, kể cả đó không phải là đồng bào mình thì các tàu cũng tiếp cứu. Vậy nhưng, chỉ có tàu Trung Quốc mới hành xử như thế. Chiếc tàu bị đâm chìm được kéo về hôm nay chỉ còn lại phần mũi nổi trên mặt nước chính là bằng chứng thép tố cáo về những hung hăng, việc làm trái với đạo lý, xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc”.
HÀ MINH
Hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Ngày 29-5, trao đổi với báo chí, các vị ĐBQH tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến hỗ trợ ngư dân đánh bắt an toàn trên ngư trường truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo.
* ĐBQH Trần Du Lịch: đóng tàu bán trả góp cho ngư dân
Tôi đề nghị những thiệt hại của ngư dân chúng ta nên dùng ngân sách để hỗ trợ. Ngay bây giờ, có thể không tăng bội chi mà dùng tiền đó để hỗ trợ ngư dân. Còn việc giúp cho ngư nghiệp và ngư dân phát triển bền vững phải có những biện pháp đồng bộ. Trong vấn đề triển khai chính sách phát triển kinh tế biển, Chính phủ đã có đề án, chúng ta cần giải quyết cùng lúc mấy vấn đề.
Phải tính toán thay đổi công nghệ, kỹ nghệ, phương thức đánh bắt cá xa bờ, nếu cứ duy trì cách làm truyền thống của ngư dân như hiện nay thì không hiệu quả, chất lượng sản phẩm cũng không đảm bảo. Phải xây dựng những trung tâm hậu cần nghề cá. Chúng ta đã quy hoạch 5 vùng trên cả nước, nhưng thực tế chưa làm được chỗ nào. Trước đây chúng ta từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhưng không thành công. Nay chúng ta phải tính toán lại nên áp dụng phương thức Nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua kiểu trả góp.
* ĐBQH Võ Thị Dung: Thắt chặt chi tiêu để giúp ngư dân
Bên cạnh việc hỗ trợ cho ngư dân có phương tiện đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền thì cần có đề án tổng thể để làm sao đảm bảo được cuộc sống lâu dài của ngư dân, nghĩa là sản phẩm của họ làm ra phải mang lại hiệu quả.
Mặc dù tình hình kinh tế đất nước hiện nay có khó khăn nhưng chúng ta có thể cân đối các nguồn khác. Ví dụ như việc đầu tư những dự án, những công trình chưa cần thiết thì cần tạm hoãn lại. Thứ hai cần tăng cường thắt chặt chi tiêu công, đặc biệt là chi cho quản lý hành chính ta có thể tiết kiệm được. Có nhiều khoản vẫn có thể cắt giảm. Cán bộ công chức và những người đang hưởng lương từ tiền thuế của dân nên thắt lưng buộc bụng để ưu tiên lo cho ngư dân, lo cho biển đảo.
* ĐBQH Đinh Xuân Thảo: Hỗ trợ đúng người, đúng mục đích
Tôi cho rằng Quốc hội cần có nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư cho ngư dân bám biển sản xuất, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa giữ chủ quyền biển đảo quốc gia. Bình quân đóng một con tàu 500 mã lực, vỏ sắt tốn 5 tỷ đồng. Ngư dân không thể có tiền đầu tư nên Nhà nước đứng ra hỗ trợ, cho ngư dân vay vốn với lãi suất rất thấp thì họ mới đóng được tàu. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi này phải đảm bảo đúng người, đúng mục đích. Trước đây, khi triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, đã xuất hiện những hợp tác xã “ma” chỉ lập ra để vay vốn ưu đãi, sau đó bán dự án trong khi ngư dân thực thụ thì lại không tiếp cận được.
ANH THƯ ghi
Trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho 2 thuyền trưởng
(SGGP).- Ngày 29-5, tại TP Đà Nẵng, Trung ương Đoàn TNCS HCM đã trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu CSB 4033 và Thượng úy Đàm Minh Khoa, thuyền trưởng tàu CSB 2012 (Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam). Hai thuyền trưởng này đã có hành động dũng cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. tấm gương vượt khó của thuyền trưởng Lê Trung Thành có mẹ đang điều trị ung thư tại TPHCM, vẫn quyết tâm bám biển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cùng ngày, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cũng tặng bằng khen cho hai chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ là Nguyễn Doãn Tú (chiến sĩ tàu CSB 2012) và Nguyễn Trung Thành (chiến sĩ tàu CSB 4033).
NGUYỄN HÙNG
- Sáng kiến giải quyết vấn đề biển Đông
- Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động vô nhân đạo