Dù đã được cảnh báo ngay từ đầu năm nhưng hết năm 2010, khả năng kiềm chế tăng giá nằm ở mức một con số rất khó thực hiện (11 tháng đã tăng đến 9,58%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 7% và mục tiêu của Chính phủ đề ra là 8%). Còn về nhập siêu, mục tiêu 12 tỷ USD như tính toán của Chính phủ có thể đạt được nhưng về lâu dài, nhập siêu luôn là bài toán không dễ giải khi cơ cấu kinh tế của nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập.
Năm 2009, khi nguồn vốn rẻ được bơm ra hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua tác động của khủng hoảng, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về độ trễ tác động của nguồn vốn này, sẽ rơi vào năm 2010. Và bước vào năm 2010, việc thắt chặt tín dụng đã được áp dụng. Biện pháp này đã mang lại hiệu ứng tích cực trong 8 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá cả liên tục biến động theo chiều hướng phức tạp. Nhìn vào diễn biến giá cả và công tác điều hành từ đầu năm đến nay, một số chuyên gia nhìn nhận, giá cả tăng cao không do chính sách tiền tệ mà do biến động giá cả thế giới (nhất là giá vàng và nguyên liệu đầu vào); việc quản lý giá của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, không theo kịp tình thế; chính sách tài khóa cộng với diễn biến phức tạp của thiên tai - những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cả 11 tháng qua.
Hai khoản chi lớn nhất là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển đã tăng tương ứng ở mức gần 7% và 43% so với dự toán năm 2010. Và đáng lo ngại hơn nữa là chi tiêu công không chỉ gói gọn trong cân đối ngân sách, mà bằng nhiều con đường khác nhau, như sử dụng các loại chính sách, trái phiếu chính phủ, các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã từng cảnh báo chi tiêu công như quả bom, làm tăng lạm phát và tăng giá tiêu dùng. Diễn biến thị trường vừa qua cho thấy vấn đề kiềm chế giá cả tăng không hề đơn giản. Chẳng hạn, để bình ổn giá Hà Nội và TPHCM đã hỗ trợ vốn các doanh nghiệp bán những mặt hàng thiết yếu, thấp hơn giá thị trường nhưng tại 2 địa phương này những tháng gần đây giá cả vẫn tăng mạnh, nhất là trong tháng 11 (Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt đến 1,93% và 1,73% so với tháng 10).
Để hạn chế tăng giá, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp với các địa phương tăng cường bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng. Chủ tịch UBND các địa phương thành lập ngay các đoàn để kiểm tra việc tuân thủ quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết và bán theo giá niêm yết, nhất là với các mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất, đời sống; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý giá và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm; không để xảy ra thiếu hàng dẫn đến sốt giá trong các tháng cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
Đối với nhập siêu, trong 11 tháng tổng thâm hụt cán cân thương mại đã đạt 10,76 tỷ USD. So với mức cả năm được Chính phủ dự báo (12 tỷ USD), việc kiềm chế nhập siêu được dự báo có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp tháo gỡ những bất hợp lý trong cơ cấu sản xuất (thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ), hiệu quả đầu tư công còn thấp… thì nhập siêu luôn rình rập, sẽ là bài toán khó không chỉ diễn ra hàng năm đối với nước ta mà còn cả trong trung và dài hạn nếu cơ cấu kinh tế không chuyển dịch.
Quang Minh