Thách thức và nguy cơ của thế giới

Cấu kết của xã hội bị đe dọa
Thách thức và nguy cơ của thế giới

Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hiệp quốc:

Ngày 20-9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã tuyên bố khai mạc phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, bằng việc đưa ra cảnh báo về những nguy cơ và thách thức mà thế giới đang phải đương đầu. Một trong những thách thức trên là cuộc khủng hoảng người di cư và hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.

Trẻ em tị nạn được đi học ở Hy Lạp

Cấu kết của xã hội bị đe dọa

Phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia và ngoại trưởng đến từ 193 quốc gia thành viên LHQ, ông Ban Ki-moon cho biết các cuộc xung đột có vũ trang đang ngày càng kéo dài và phức tạp, trong khi những phần tử cực đoan đang đe dọa sự cấu kết của xã hội. Thế giới đang tồn tại những hố sâu ngờ vực ngăn cách công dân với các nhà lãnh đạo, những phần tử cực đoan đang chia loài người thành hai phe “chúng ta” và “họ”. Ngoài ra, Trái đất đang tấn công con người bằng mực nước biển tăng, nhiệt độ nóng kỷ lục và những cơn bão dữ dội.

Cũng phát biểu khai mạc phiên họp này, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại rằng viễn cảnh về một giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại biển Đông đang ngày càng xa vời do những tranh cãi xung quanh các bãi đá và rạn san hô ở khu vực này. Về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Obama kêu gọi Palestine chấm dứt các hành vi kích động bạo lực, đồng thời hối thúc Israel thừa nhận thực tế rằng họ không thể chiếm đóng và định cư vĩnh viễn trên đất của người Palestine. Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này. Tổng thống Mỹ cũng hối thúc toàn thế giới cần thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trở nên có hiệu lực càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo không nên để cho thế hệ tương lai phải hứng chịu hậu quả.

Thêm nhiều cam kết cho người tị nạn

Tại phiên khai mạc, Tổng thư ký LHQ cũng ca ngợi Tuyên bố New York về người tị nạn và nhập cư vừa được 193 quốc gia thành viên thông qua trước đó một ngày là công cụ để cộng đồng quốc tế cứu mạng sống và bảo vệ quyền của hàng triệu người, đồng thời nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần phải thực hiện những lời hứa của mình. Văn kiện này thể hiện quyết tâm của LHQ hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm: Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; Tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; Trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; Đảm bảo trẻ em di cư tị nạn được đi học; Cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; Tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.

Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên LHQ chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới. Tại hội nghị, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn đối với làn sóng di cư khổng lồ bắt nguồn từ Syria cũng như nhiều khu vực khác. Theo bà May, trong số người nhập cư này không chỉ có những người tị nạn mà còn có những người tìm kiếm các lợi ích kinh tế. Nhà lãnh đạo Anh kêu gọi các chính phủ áp dụng quy định yêu cầu người tị nạn phải xin tị nạn ở quốc gia an toàn đầu tiên họ đặt chân tới. Trong khi đó, tân Tổng thống Brazil Michel Temer kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết gốc rễ gây ra tình trạng người di cư và tị nạn. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố trong vòng 3 năm tới, Nhật Bản sẽ cấp thêm 2,8 tỷ USD viện trợ nhân đạo để giúp LHQ đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra cam kết Bắc Kinh sẽ cấp thêm 100 triệu USD cho các nỗ lực trợ giúp người tị nạn.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục