Các văn bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dày 52 trang đã được đăng tải đầy đủ tại website của Nhà Trắng. Theo luật của Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia phải được công bố hàng năm. Tuy nhiên, điều luật này không phải lúc nào cũng được thi hành.
Cựu Tổng thống G.W.Bush mới có 2 lần công bố tài liệu này vào các năm 2002 và 2006, trong khi đây là lần đầu tiên của ông Obama kể từ khi ông nhậm chức tháng 1-2009. Thông thường, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ chỉ thu hút được sự quan tâm của nước ngoài và thậm chí chỉ là tài liệu để Quốc hội Mỹ và chính quyền nước này tham khảo khi soạn thảo văn bản an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo Hãng Ria-Novosti, trong bối cảnh của Mỹ hiện nay, chiến lược an ninh mới này là một phần trong “cuộc chiến chính trị” của Obama để duy trì “di sản Mỹ” của cựu Tổng thống G.W.Bush. Và đó là lý do vì sao tài liệu dày 52 trang cùng các bài phát biểu của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Cố vấn an ninh quốc gia Jones về tình hình an ninh quốc gia lại vô cùng quan trọng.
Mặc dù vậy, những ai chờ đợi một cái gì đó giật gân từ chiến lược an ninh quốc gia của ông Obama sẽ thất vọng bởi tài liệu này chỉ chính thức hóa các chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi. Theo đó, Mỹ muốn “xây dựng quan hệ đối tác ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn với các trung tâm quan trọng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, cũng như với quốc gia đang tạo được tầm ảnh hưởng nhất định như Brazil, Nam Phi và Indonesia”. Ngoài ra, Mỹ cũng chuyển hướng tập trung vào các nước thuộc G-20, một diễn đàn hàng đầu cho hợp tác kinh tế quốc tế…
Điểm đáng chú ý nhất được nêu ra trong chiến lược an ninh mới của ông Obama đó là vấn đề hợp tác giữa các đảng phái tại Mỹ. Theo đó, ông Obama cho rằng: “Hiệu quả hợp tác sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác rộng và đồng thuận của lưỡng đảng” và việc thiếu đi yếu tố này đã “đặt Mỹ vào thế bất lợi”. Đây thật sự là một tuyên bố khôn ngoan của ông Obama. Với tuyên bố này, ông cho người dân Mỹ thấy mình là một tổng thống mạnh mẽ, dám nói thẳng những vấn đề bất cập còn tồn tại trong việc hợp tác giữa các đảng phái của Mỹ.
Tuy nhiên, một nhà quan sát đã đưa ra một góc nhìn khá thú vị về tuyên bố trên của ông Obama: Tổng thống Mỹ đang kêu gọi, thúc giục người dân Mỹ hợp tác làm hồi sinh nền kinh tế, sức mạnh đạo đức và sáng tạo để Mỹ tiếp tục là cường quốc đứng đầu thế giới. Có thể trước mặt người dân của mình, ông Obama tỏ ra không hề quan tâm đến vấn đề ai là siêu cường và chỉ tập trung các chính sách chăm sóc đời sống người dân, tạo công ăn việc làm.
Nhưng trong thâm tâm, ông Obama vẫn luôn muốn Mỹ phải là một siêu cường hàng đầu. Nhưng điều này trở thành cái khó của ông Obama, bởi chẳng một ai, một quốc gia nào ưa “những người dẫn đầu”. Và việc ông Obama luôn ấp ủ mong muốn trở thành siêu cường số một khiến các quốc gia như Iran, CHDCND Triều Tiên không thể tin những lời của ông Obama bởi sẽ lại có một G.W. Bush nữa trong tương lai, làm mọi thứ để duy trì thế độc tôn của mình.
Đỗ Văn