Tháng 6 và những lời giải đang chờ

Báo cáo từ Cục Thống kê TPHCM cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM trong 5 tháng đầu năm 2022 là hơn 200.000 tỷ đồng, ước đạt 54,3% dự toán năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Bất động sản và dầu thô trong nhóm dẫn đầu tăng nguồn thu. Kết quả đáng khích lệ này cho thấy sự vận hành nền kinh tế quốc gia nói chung, TPHCM nói riêng khá vững chắc trong tương quan chi ngân sách giảm.

 Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM trong 5 tháng đầu năm 2022 là hơn 200.000 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM trong 5 tháng đầu năm 2022 là hơn 200.000 tỷ đồng

Lòng tin của người dân - khách hàng tiếp tục được duy trì khi tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM của tháng 5 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 3,02% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 90,1% tổng nguồn vốn huy động. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 5 trên địa bàn TPHCM duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước.

Có điều, so với bình quân của cả nước và các thành phố lớn, TPHCM lại ở mức thấp hơn đối với các chỉ số quan trọng như: sản xuất công nghiệp (IIP toàn ngành, TPHCM đạt 2,6% so với 6,4% của Hà Nội và 8,3% cả nước; IIP chế biến - chế tạo, TPHCM đạt 2,1% so với 6,6% của Hà Nội và 9,2% của cả nước)…

Trong đó, đáng lưu ý là tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm so với cùng kỳ, bất chấp một loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư của TPHCM trong gần 3 tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới của TPHCM đạt 12,5% so với cả nước là 12,9% nhưng số vốn đăng ký lại của TP lại âm tới 18,8%, kéo theo cả nước âm 2,2%; trong khi Hà Nội chỉ 6% doanh nghiệp thành lập mới nhưng số vốn đăng ký là 5%.

Dĩ nhiên, có thể lý giải mức tăng bình quân của cả nước, nhất là Hà Nội - địa phương chủ lực đăng cai, tổ chức SEA Games 31 - đã dẫn tới con số doanh thu tăng vọt ở hầu hết các dịch vụ lưu trú và ăn uống (cả nước 15,7%, Hà Nội 40,1%, TPHCM 2,2%), dịch vụ lữ hành (cả nước 34,7%, Hà Nội 63,9%, TPHCM 8,2%). Do đó, với các thông số nói trên, ở thời điểm hết tháng 5 và 5 tháng nhìn lại cho thấy kinh tế TPHCM đang phục hồi từng bước.

Sự phục hồi tuy không mạnh mẽ, bứt phá như kỳ vọng nhưng là những bước đi vừa tận dụng, phát huy hiệu quả các ưu thế có sẵn (bất động sản, dầu thô, xuất khẩu các thị trường chủ lực…), vừa cẩn trọng thăm dò, mở rộng các thị trường thay thế; chuẩn bị cho những rủi ro kéo dài từ hệ lụy đại dịch đến xung đột, chiến tranh, lệnh cấm vận... trên toàn cầu. Bởi, chỉ riêng việc Trung Quốc siết chặt lệnh phong tỏa, trước mắt đã tác động đến tăng trưởng nhập khẩu đi ngang do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tháng 6 này và quý 3-2022, TPHCM sẽ tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực về nguồn nguyên liệu từ thị trường láng giềng vốn cũng đang gặp nhiều áp lực bị trừng phạt của Mỹ - châu Âu. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng xấu từ cuộc xung đột tại Ukraine, những hệ lụy không tránh khỏi của quá trình xử lý các sai phạm liên quan trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…

Rõ ràng, chúng ta không thể không đối diện với thực tế về một bộ phận trong nền kinh tế quốc gia nói chung, TPHCM nói riêng, đã chịu “nội thương” nghiêm trọng, dẫn tới thể trạng yếu, khả năng chống chịu, chống đỡ và phục hồi không dễ trong thời gian ngắn. Tính hấp thụ vốn vẫn còn kém, biểu hiện ở tỷ lệ giải ngân ở lĩnh vực đầu tư công vẫn thấp, đầu tư mới trong lĩnh vực doanh nghiệp không cao; những chồng chéo, bất cập về quy định, sử dụng nhân lực vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời... Bên cạnh đó, dù đã kích hoạt nhiều “nút” dịch vụ, hàng hóa, sức mua vẫn còn yếu.

Những bất trắc toàn cầu, khu vực đều đã được nhìn thấy trước, trù liệu các giải pháp ứng phó trong 6 tháng còn lại của năm, mà yêu cầu trước mắt là chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng chuyển dịch về đầu tư khi có nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa, rút dần khỏi thị trường Trung Quốc. TPHCM cần giải cho được bài toán không để đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất từ thị trường khổng lồ này.

“Để giảm nhẹ những rủi ro liên quan đến xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác thương mại có thể sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn” (trích Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2022 của Ngân hàng Thế giới); cũng như cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trung tâm tài chính, trung tâm logistics và tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kể cả cơ sở cứng lẫn hạ tầng như viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu... 

Cuối cùng, đòn bẩy cho mọi tính toán và nỗ lực tăng tốc tháng 6 không gì khác, không ai khác ngoài nguồn lực con người. Đội ngũ công vụ của chính quyền TPHCM cần tự tạo sức bật, động lực thực thi, kết nối đồng bộ để khơi thông các nguồn lực, dòng chảy đã và đang… nghẽn mạch hành động.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư đang làm ăn hay mong muốn đầu tư vào TPHCM đang phải vượt qua từng “chướng ngại vật” vô hình từng ngày, không tên, cản trở những bước mở rộng hay ít nhất là duy trì các hoạt động kinh doanh. Và là người dân thành phố, “dòng chảy” quan trọng nhất của đô thị, cần được khơi thông mạnh mẽ, như suối nguồn ồ ạt không bao giờ cạn của khát khao vươn lên của TPHCM! 

Tin cùng chuyên mục