Ba từ khóa phát triển bền vững cho Hóc Môn

Tuyến đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TPHCM, lầy lội, thường xuyên xảy ra tai nạn, vừa được thông xe sau thời gian nâng cấp, mở rộng lên 30m thông thoáng, khang trang, với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. 
Đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG
Đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG

Các tuyến đường huyết mạch nội huyện (đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn, mở rộng đường Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa và đường song hành Phan Văn Hớn) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, ngập nước, cải thiện môi trường…

Các dự án không chỉ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông - đô thị trong khu vực nội huyện và địa bàn lân cận, mà còn tăng tính kết nối, mở rộng cửa ngõ Tây Bắc - Hóc Môn với đường Vành đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài và chuỗi nối kết liên vùng. Không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương mà còn đảm bảo các kế hoạch phục vụ dân sinh. Không chỉ tái cấu trúc một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác bền vững những giá trị tự nhiên của đất mà huyện “vành đai” này, cùng với Củ Chi, là điểm khởi nguồn cho dòng chảy kinh tế hành lang sông, khơi thông mạch ngầm phát triển hệ giao thông thủy của sông Sài Gòn - Đồng Nai, đang được khởi động mạnh mẽ.

Rõ ràng, Hóc Môn hội tụ sức bật của một vùng đất đang thức giấc mà nhân tố quyết định thành bại, không gì ngoài sức người. Nó trước hết phải có sức mạnh đoàn kết - là chất keo để cố kết đội ngũ lãnh đạo huyện, lãnh đạo với từng bộ máy chức năng, lãnh đạo với nhân dân huyện nhà. Trong mục tiêu chiến lược, mà Quyết định 24 của Thủ tướng (năm 2010) đã xác lập Định hướng phát triển không gian TPHCM đối với huyện Hóc Môn và Củ Chi là “một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc thành phố”; trong chủ trương tái cân bằng các trục phát triển “bốn phương tám hướng” của thành phố giữa các khu vực Nam Sài Gòn (gồm quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ), khu Đông thành phố (TP Thủ Đức) và khu Tây Bắc thành phố, cùng với Củ Chi, một phần Bình Chánh thì Hóc Môn là một modul đan cài cả vùng sinh thái - nông nghiệp lẫn đô thị - khu công nghiệp.

Đó là chưa nói đến sức hút bản địa của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, là điểm son “về nguồn” cho bao thế hệ công dân thành phố nói riêng, cả nước nói chung với địa danh Hóc Môn - Bà Điểm, Mười tám thôn Vườn Trầu, với Ngã Ba Giồng gắn với tinh thần quả cảm và sự hy sinh của nhiều tấm gương cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940… Là nơi hội tụ của trên 100 ngôi chùa, trong đó, chùa Hoằng Pháp là một trung tâm tu tập, thiền hành lớn của Phật giáo phía Nam, điểm đến của nhiều phật tử, du khách trong và ngoài nước.

Đất nung nên tính cách người, người Hóc Môn - Bà Điểm - Củ Chi “đã tôi nên thép” trong thời chiến; nay họ giữ gìn đạo lý nghĩa tình, tiếp tục thể hiện sự tương thân tương ái giữa người với người, một lòng son sắt, cần cù, chịu thương chịu khó, tin và chung sức hành động cho một ngày mai tươi đẹp hơn.

Đặt trong mục tiêu phát triển tổng thể TPHCM, xét cả về cơ hội “thiên thời” - “địa lợi” và điều kiện tất yếu “nhân hòa” - khi Hóc Môn đang nhận được sự quan tâm đáng kể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đây chính là thời điểm vàng cho vùng đất cửa ngõ này cất cánh. Mà đường băng được thiết lập từ những đầu việc quan trọng sau đây: Về phía huyện, cần đẩy nhanh các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đã được sắp xếp vốn đầu tư công trong nhiệm kỳ này. Với các dự án đầu tư tư nhân, huyện cần tập trung vào những dự án đề xuất phù hợp quy hoạch để các nhà đầu tư có thể triển khai nhanh chóng trong năm 2022.

Ở cấp thành phố, ưu tiên hàng đầu đối với các dự án giao thông kết nối trọng điểm cho khu vực Tây Bắc - Hóc Môn. Trong đó có Vành đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Tuyến metro số 2 (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Tham Lương, giai đoạn 2 kéo dài từ Tham Lương tới Củ Chi). Đặc biệt, thành phố cần thúc đẩy các hướng giao thông đường thủy dọc khu vực sông Sài Gòn, đạt được hai hệ quả khai thác: vừa kết nối - mở rộng giao thông vận tải, vừa phát triển du lịch.
Cũng trong năm 2022, đầu năm 2023, việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, trong đó có điều chỉnh quy hoạch huyện Hóc Môn sẽ đảm bảo phù hợp và khả thi hơn trong việc kết nối hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư.

Như phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, “Hóc Môn có thể sớm trở thành đô thị sinh thái đẹp với những đặc điểm mà không phải nơi nào cũng có”. Đích đến của điều chỉnh quy hoạch là một Hóc Môn với - “Một hành lang”, “Một vành đai” và “Một không gian”. Một hành lang cho hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ, logistics đi kèm. Một vành đai cho mảng xanh, sông nước du lịch kết hợp với thương mại và đô thị sinh thái. Một không gian cho lịch sử - văn hóa, nơi tôn tạo, gìn giữ các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho mọi người dân - chính là ba từ khóa phát triển bền vững cho Hóc Môn trong giai đoạn sắp tới!

Tin cùng chuyên mục