Thanh danh nghệ sĩ

Chất lượng thực sự cuộc sống luôn đi cùng các giá trị tinh thần hướng thiện, trong đó thưởng thức nghệ thuật là dạng nhu cầu hưởng thụ tinh thần đặc biệt, tinh tế và thiết yếu của con người. Đội ngũ nghệ sĩ của chúng ta phát triển khá nhanh trong thời gian qua, trình diễn chủ yếu trên các loại phim trường, sân khấu, sàn diễn, chương trình sự kiện. Trong khi phần lớn nghệ sĩ trình diễn tâm huyết, nghiêm túc cống hiến tài năng, góp phần khơi nhịp sống tươi vui, lành mạnh cho xã hội, một bộ phận khác - mặc dù không chiếm đa số và cũng chưa thực sự hội đủ tài năng - lại đặc biệt sôi động ồn ã, đã dấy lên làn sóng ngược chiều, tạo ra hàng loạt tai tiếng, gây ảnh hưởng xấu.

Vậy chân dung của bộ phận nghệ sĩ ấy như thế nào? Dường như phần lớn trong số họ là những gương mặt tự xưng. Sau khi được lăng xê qua các lò luyện thi cấp tốc và được một số phương tiện truyền thông đại chúng tiếp sức, quảng bá tùy tiện, dễ dãi.

Khi được tung hô là “nghệ sĩ”, là “thần tượng”, “người đẹp” dù không thực chất, họ vẫn ảo tưởng là thật, trở nên hãnh tiến một cách mê muội. Có người cố ý gây ra scandal, lẽ ra phải xấu hổ che đậy, lại ngổ ngáo quảng bá một cách lố bịch. Nếu cả năm 2011, riêng tại TPHCM có 8 vụ vi phạm quy chế biểu diễn bị xử phạt, trong 5 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 11 vụ vi phạm và hơn 20 vụ scandal trong làng giải trí.

Không ít nghệ sĩ ảo này tự chứng tỏ một cách ngang nhiên những khiếm khuyết trong đạo đức sống cũng như đạo đức hành nghề: sẵn sàng thổ lộ chuyện ngoại tình và chuyện phòng the, sốt sắng khoe mẽ các món thời trang đắt tiền, hãnh diện chưng bày hình ảnh khỏa thân, công khai những mối tình tay ba với đại gia… Ở nơi trình diễn, họ không ngại lập mưu hãm hại đồng nghiệp để thủ lợi, không đắn đo phô bày cơ thể sỗ sàng.

Hiện tượng như vậy diễn ra từ lâu và có vẻ ngày càng rầm rộ, khiến dư luận phản ứng cũng ngày càng gay gắt hơn. Thực trạng bê tha, tùy tiện trong trình diễn nghệ thuật gây hệ quả tai hại là tự hạ thấp vai trò cũng như tác dụng của nghệ thuật trình diễn, do thiếu khả năng đem lại chiều sâu cảm xúc cũng như mỹ cảm cho công chúng. Nó còn bôi nhọ tâm huyết và thành tựu của các nghệ sĩ chính danh.

Vấn đề cấp bách đặt ra đối với bản thân người hành nghề trình diễn cũng như đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm là đào tạo, bồi dưỡng trình độ cần thiết cho nghệ sĩ, trong đó trình độ chuyên môn nhất thiết phải đi kèm cùng trình độ nhận thức nói chung. Đi đôi với trình độ cần có là một nền tảng đạo đức phù hợp, trong đó đạo đức nghề nghiệp gắn với đạo đức sống của con người Việt.

Trong tình hình hiện nay, cần khẩn trương chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nghệ sĩ trình diễn đạt tới chuyên nghiệp, giúp họ có trình độ hiểu biết và kỹ năng sáng tạo, có tư duy và phẩm chất hài hòa; xứng đáng được công chúng công nhận và mến mộ như những trí thức đích thực.

Bản thân người nghệ sĩ cần nhận rõ trách nhiệm và vai trò của mình trước công chúng, nghiêm túc học hỏi, rèn luyện nghề nghiệp; học cách tôn vinh nghề nghiệp, làm đẹp bản thân một cách tận tâm, tự trọng. Cơ quan truyền thông cần khách quan, đúng mực trong nghiệp vụ đưa tin, giới thiệu nghệ sĩ cùng hoạt động của họ; tạo ra môi trường nghiêm túc, đáng tin cậy đối với lĩnh vực đặc trưng này.

Công chúng, nhất là công chúng trẻ, cần nhạy bén phân biệt thật giả, có thái độ đúng đắn trong việc cổ vũ cũng như phê phán các hiện tượng tốt xấu trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật.

Để khắc phục tiêu cực, xây dựng nền nếp trình diễn văn minh, tôn vinh thanh danh nghệ sĩ đích thực, đã đến lúc cần hành động ngay. Hành động toàn diện, từ chính quyền, công luận đến công chúng và dĩ nhiên, từ cả đội ngũ những người làm nghề trình diễn.


Trần Luân Kim

Tin cùng chuyên mục