Thanh toán không tiền mặt: Dễ dàng khi mua sắm tại siêu thị

Với sự tiện lợi, dễ dàng khi mua sắm, hình thức thanh toán không tiền mặt đang ngày càng phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn như TPHCM.
Khách hàng thanh toán không tiền mặt tại các điểm mua sắm
Khách hàng thanh toán không tiền mặt tại các điểm mua sắm

Từng bước loại bỏ tiền mặt khi mua sắm

Nếu như trước đây khi đi siêu thị, chị Nguyễn Mai Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thường trả tiền mặt khi mua sắm thì nay chỉ với chiếc điện thoại hoặc thẻ ATM đã dễ dàng thanh toán mà không lo phải rút tiền.

“Việc thanh toán này có lợi ích là giao dịch thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, lại giúp mình không phải kiểm đếm tiền mỗi khi thanh toán. Bên cạnh đó, hình thức này cũng giúp mình dễ dàng quản lý chi tiêu, không lo phải giữ tiền mặt bên mình” - chị Mai Anh chia sẻ.

Còn với Trần Thị Hòa (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) thì việc sử dụng thanh toán qua thẻ, qua quét mã QR đã thành thói quen từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo chị Hòa, sở dĩ việc thanh toán này dễ dàng là do đi tới các điểm mua sắm từ chợ, cửa hàng tiện lợi hay siêu thị… hiện nay đều có bảng QR Code, lại không cần tiết lộ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. “Việc này hạn chế một phần việc lộ thông tin tránh các nguy cơ rủi ro như: tiền giả, bị trộm cướp...” - chị Hòa nói.

Theo dữ liệu được công bố từ nền tảng thanh toán Payoo cho thấy, giá trị thanh toán QR qua mạng lưới đối tác của Payoo trong quý 1-2023 trên cả 2 kênh online và qua POS đã tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Đáng chú ý, các phương thức thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến với mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, từ khối tư nhân đến khối dịch vụ công, từ thanh toán hóa đơn đến mua sắm trực tuyến hay tại cửa hàng.

Dẫn chứng cụ thể, Payoo chỉ ra, với lĩnh vực F&B, thanh toán không tiền mặt nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ tăng gấp đôi về số lượng và 25% về giá trị; còn lĩnh vực siêu thị tăng trưởng 64% về số lượng và 32% về giá trị.

Ghi nhận thực tế tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng cho thấy tỷ lệ thanh toán không tiền mặt cũng đã tăng mạnh, đạt gần 10%. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, thanh toán không tiền mặt càng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ càng được lợi bởi thời gian thanh toán nhanh, đỡ mất công kiểm đếm tiền, giảm sai sót…

Đa dạng hình thức thanh toán

Chia sẻ tại Hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, sau thời gian đại dịch, người tiêu dùng Việt Nam có sự thay đổi thích ứng khá nhanh. Và có đến 65% dân số mang ít tiền mặt hơn sau Covid-19, đồng thời 13,7 ngày là số ngày trung bình không dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam. Những con số này là dấu hiệu cho thấy sự thích ứng của người Việt đối với hình thức thanh toán mới, sẵn sàng chấp nhận một xã hội không dùng tiền mặt.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều năm nay hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã áp dụng các hình thức tiên tiến để khuyến khích khách hàng mua sắm hạn chế dùng tiền mặt, như dùng thẻ hoặc ví điện tử. Hầu hết các quầy thu ngân của Saigon Co.op đều có bố trí đầu đọc thẻ và thường xuyên phối hợp các ngân hàng tổ chức khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, thưởng tiền trực tiếp vào thẻ cho khách.

Theo đại diện của Saigon Co.op, với hơn 800 điểm bán phân bố rộng khắp cả nước và đón trung bình 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày thì việc áp dụng thanh toán không tiền mặt là phương thức để tăng vị thế cạnh tranh.

Được biết, để đa dạng thêm hình thức thanh toán mới cho khách hàng, đầu tháng 5-2023, Saigon Co.op đã hợp tác cùng UrBox ra mắt phiếu mua hàng điện tử Co.opmart (E-Voucher).

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng nhu cầu bán lẻ trong nước đạt 145 tỷ USD, tương đương 18 tỷ giao dịch (lần trả tiền). Trong số đó có nhiều thanh toán không tiền mặt. Với những đặc thù đó, bán lẻ Việt Nam với câu chuyện không tiền mặt còn rất nhiều dư địa.

Tin cùng chuyên mục