Nhưng phải thay đổi thế nào thì vẫn là bài toán khó, chỉ hy vọng cứ dũng cảm bước đi và đi nhiều khắc thành đường mòn, thành cao tốc trong giai đoạn “sống chung với Covid-19”.
Song nói dễ hơn làm. Đơn cử như trong lãnh vực nghệ thuật - giải trí, một đơn vị nổi tiếng nhất là Nhà hát lớn Moskva với quân số 3.500 nghệ sĩ, nhân viên hậu đài đã tuyên bố nghệ thuật là bất biến, không thể thay đổi cách tiếp cận, như không thể bắt cả dàn nhạc 80 người đeo khẩu trang và ngồi giãn cách 1,5m theo quy định, hay như yêu cầu khán giả đã bỏ tiền hàng trăm đô mua vé xem phải ngồi cách ghế, cách biệt với nghệ thuật đỉnh cao. Nhà hát này dự tính chỉ mở cửa lại vào tháng 9, khi đường cong dịch đã được làm phẳng và “hy vọng đã có vaccine”. Còn ở ta, tất nhiên không có dàn giao hưởng quân số đến vậy nhưng mọi hoạt động vẫn đang đình trệ, ở mức tập vở mới, kiểu như TPHCM đang tập dượt vở ballet về nàng Kiều. Cá biệt là sân khấu và điện ảnh được tháo bỏ các quy định cách ly, bắt đầu sáng đèn trở lại với muôn vàn khó khăn. Có tụ điểm sân khấu sau khi triệu tập các nghệ sĩ trở lại tập dượt từ các “nẻo đường kiếm sống” - giao hàng online, bán hàng trực tuyến, chạy Grabike…, đã giảm giá vé 30% - 50% cho các suất diễn đầu tiên thời “hậu Covid”. Một bước chạy rô-đa cho con đường dài chỉ le lói ánh sáng như ngọn nến trước gió.
Các rạp chiếu phim tuy bắt nhịp sớm hơn cả tuần, song tình hình vẫn ảm đạm, chi nhiều hơn thu. Ở các nước, cùng với các biện pháp dỡ bỏ dần những hạn chế thì đồng thời cũng dỡ bỏ luôn các rạp chiếu phim, mà theo thống kê có tới 1/3 số rạp phải đóng cửa vĩnh viễn. Chúng ta, rất may, đến nay chưa có trường hợp nào phải đâm đơn xin phá sản, nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ từ phía nhà nước thì xem ra “đường về quê mẹ” (tên một bộ phim nổi tiếng) cũng không còn xa lắm. Nguyên nhân có nhiều, tựu trung là chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, tiền thuế, phí nhân viên… và cả quỹ phim mới không có.
Các bộ phim bom tấn của Hollywood đã hoàn tất hậu kỳ từ trước dịch như Hoa Mộc Lan, Điệp viên 007 vẫn chưa được phép chiếu vì tình hình dịch bệnh ở các thị trường chính như Trung Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu còn diễn biến phức tạp. Thường thì các bộ phim kinh phí lớn cỡ vài trăm triệu đô la chỉ có thể hòa vốn và có lãi khi chiếu rạp, dù tỷ lệ ăn chia có thể tới 60 - 40. Chiếu trên các nền tảng mạng như Netflix không cách nào bù đắp chi phí làm phim, tiếp thị phim. Nhưng thôi, dịch còn thì còn khó khăn cho 2 ngành nghệ thuật nghe - nhìn then chốt, nhưng khó khăn vẫn không buông tha một ngành khác, những tưởng sẽ “phất” mùa dịch là ngành xuất bản. Một chủ tiệm sách khi được hỏi chỉ lắc đầu chi phí vậy vậy, cả trăm triệu mà thu bạc cắc mấy cuốn y học thường thức. Hay là có tăng ở khâu bán sách online? Ông chủ vui tính này - có đọc nhiều - dẫn một câu nói của nhà văn Mỹ Mark Twain đại ý có 3 dạng lừa dối là lừa dối, lừa dối trắng trợn và… con số thống kê để nói hãy tin ít thôi vào con số bán sách trực tuyến như con số tăng trưởng còn cao hơn doanh số bán giấy vệ sinh và dung dịch sát khuẩn. Mà ông nói có lý: Hội sách online dù kéo dài cả tháng (lại mới được gia hạn thêm) cũng chẳng mấy người để ý, thua xa con số bán sách diễn ra 1 tuần ở Hội sách Lê Văn Tám, TPHCM.
Tất nhiên, muốn có văn hóa đọc, văn hóa xem thì cũng phải có nền tảng giáo dục. Và giáo dục thì cũng ảm đạm không kém. Bộ chủ quản giao cho tỉnh, tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã, xã giao cho trường chủ động công tác dạy và học trực tuyến, nghĩa là mỗi nơi mỗi kiểu, trăm nhà trăm tiếng. Các môn tự nhiên còn dễ, nhưng các môn xã hội, môn nghệ thuật cần thị phạm thì sao? Làm sao dạy nhạc hay dàn dựng một vở diễn bằng hình thức trực tuyến, từ xa? Đúng là cả núi vấn đề mà ngay cả các nước phát triển nhất cũng bó tay, tìm cách tháo gỡ dần. Như liên hoan phim uy tín nhất hành tinh là Liên hoan phim Cannes đang phải đứng trước ngã ba đường: tổ chức hay không, tổ chức cách nào, tổ chức trong “thế giới ảo”?, nhưng đã rõ sẽ không có nhà tài trợ nếu diễn ra không có thảm đỏ và khán giả…
Có 3 vấn đề cần giải quyết ở mọi thời, dù có dịch hay không có dịch: nội dung tốt, tiếp thị tốt, phân phối tốt, trong đó yêu cầu nội dung tốt là then chốt để tạo thành công cho tác phẩm nghệ thuật. Trong khi các tác phẩm ngoại còn khó tiếp cận vì dịch thì tác phẩm nội tốt đang được chờ đón hơn bao giờ hết, nhưng tiếc thay… vẫn phải chờ cho đến khi hết dịch, khi có vaccine sáng tạo.