Thấy việc nghĩa là tự giác hành động

Trước bất kỳ một sự kiện gì của TPHCM, của đất nước thì người dân TPHCM luôn quan tâm, sự quan tâm đầy trách nhiệm chứ không phải hời hợt, đồng thời nhanh nhạy thể hiện tình cảm, nguyện vọng của mình đối với những biến động đó.
Thấy việc nghĩa là tự giác hành động

Trước bất kỳ một sự kiện gì của TPHCM, của đất nước thì người dân TPHCM luôn quan tâm, sự quan tâm đầy trách nhiệm chứ không phải hời hợt, đồng thời nhanh nhạy thể hiện tình cảm, nguyện vọng của mình đối với những biến động đó.

Người thành phố giàu tình cảm

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Võ Thị Dung tặng quà bà con khu phố 7, phường 14, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: MINH NGỌC

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM có nhiều hoạt động cộng đồng, nhiều phong trào in đậm dấu ấn của nhân dân như đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, các hoạt động từ thiện xã hội, Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc... Đối với người dân thành phố, làm việc nghĩa, không chờ phải tuyên truyền, vận động, mà luôn hành động rất tự nguyện, tự giác. Chỉ tính trong khoảng 20 năm trở lại đây, Quỹ Vì người nghèo của thành phố đã tiếp nhận đến hàng ngàn tỷ đồng. Con số này chỉ tính trong hệ thống Quỹ Vì người nghèo do cơ quan MTTQ các cấp của TPHCM quản lý, còn nguồn đóng góp trong nhân dân cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho xã hội có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, và cũng không tính được bằng giá trị vật chất.

Nhớ lại những đợt thiên tai xảy ra trên đất nước mình, chưa đợi các tổ chức kêu gọi, từ mờ sáng, mấy anh xe ôm đã chạy đến cơ quan MTTQ TP để đóng góp người năm chục, người ba chục ngàn đồng. Lại có những hình ảnh xúc động không cầm được nước mắt. Một người cao tuổi bị mù đi bán vé số, cầm 50.000 đồng đóng góp cho bà con bị thiên tai, khi nghe được tin bão trên đài… Nhiều cán bộ hưu trí dành sổ tiết kiệm tặng học bổng cho học sinh nghèo, hộ nghèo. Có người không con cái, khi qua đời đã “di chúc” cả gia tài của mình cho các hoạt động từ thiện; tiền phúng điếu dành tặng cho quỹ từ thiện đã trở nên phổ biến tại thành phố. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, khi khai trương, động thổ đều dành khoản tiền để đóng góp, chăm lo cho người nghèo. Những năm vừa qua, nhận thấy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, thay vì tổ chức khánh thành sự kiện đình đám thì một số doanh nghiệp đã tổ chức đơn sơ sự kiện ấy với mục đích để dành số tiền đến vài trăm triệu đồng góp phần chăm lo cho người nghèo thành phố. Họ đã làm những việc thiện nguyện này rất thầm lặng.

Có những đóng góp không thể đo đếm, khi hành động ấy trở thành nghĩa cử cao cả trong cuộc sống. Chương trình mở rộng, xây dựng hẻm, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, bệnh viện… người dân sẵn sàng tham gia hiến đất không cần phải nghĩ suy. Một số nhà hảo tâm đầu tư trang thiết bị, xây dựng thêm phòng ốc ở bệnh viện điều trị bệnh cho dân nghèo. Giới tu sĩ TPHCM tham gia tích cực công việc thiện nguyện trong lĩnh vực y tế, giáo dục như chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật... Người dân hiến giác mạc, hiến xác cho y học… những việc làm này hiện diện hàng ngày trong cuộc sống sôi động của thành phố. TPHCM cũng là địa phương đi đầu cả nước về hiến máu nhân đạo cứu người, chăm lo sức khỏe người nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí… Các chương trình hướng về biên giới, hải đảo như Vì biển đảo quê hương, Vì tuyến đầu Tổ quốc... người dân đều nhập cuộc đầy hiệu quả và tâm huyết.

Lòng nhân ái của người dân thành phố không có biên giới nên các hoạt động tương thân, tương
trợ không chỉ thể hiện đối với người dân địa phương mà còn sẻ chia trên cả nước, thậm chí đến các nước bạn. Khi nghe tin các nước như Cuba, Mỹ, Nhật… gặp thiên tai, người dân TPHCM luôn là nơi đầu tiên lên tiếng, bày tỏ tình cảm thiết thực.

Thành phố không phân biệt…

Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, Sài Gòn - TPHCM có “người cũ”, “người mới”; người có đạo, người không đạo; người miền trong, miền ngoài; người từ các vùng miền khác đến làm ăn, sinh sống… nhưng người dân sống với nhau gắn bó, chan hòa, không có sự phân biệt, cục bộ địa phương. Nhờ vậy, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng gắn kết, thống nhất. Thành phố vốn là nơi nhạy cảm, nhưng khi các thế lực thù địch lợi dụng những sơ hở, yếu kém để tác động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hầu hết người dân luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước nên những tác động ấy không đáng kể.

TPHCM có đầy đủ 54 dân tộc. trong đó đồng bào người Hoa chiếm gần 50% số người Hoa của cả nước; đồng bào dân tộc Chăm, Khmer… cũng có hàng chục ngàn người. Các dân tộc ở TPHCM luôn đoàn kết, gắn bó, chăm lo, hỗ trợ nhau. Không chỉ chăm lo trong cộng đồng dân tộc của mình, đồng bào còn chia sẻ với các cộng đồng dân tộc khác có hoàn cảnh khó khăn hơn; như cộng đồng người Hoa, thông qua các hội quán, doanh nghiệp khá giả của thành phố, hàng năm đều đóng góp rất lớn cho các hoạt động xã hội từ thiện không chỉ ở TPHCM mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước.

TPHCM có số lượng kiều bào sinh sống ở nước ngoài khá đông, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước ngày càng nhiều hơn. Lượng kiều hối của kiều bào thành phố chuyển về nước ngày càng tăng. Trong quá trình hội nhập và phát triển, người nước ngoài đến TPHCM học hành, làm ăn, sinh sống ngày một thêm đông, họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng người Việt Nam tại thành phố, các sinh hoạt tại khu dân cư, không chỉ có cộng đồng người Việt Nam mà cả người nước ngoài ở nơi ấy cũng tham gia.

Tình đoàn kết còn thể hiện trong hoạt động đối ngoại. Ngoài các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước tổ chức, thì hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ, hội đoàn, tôn giáo thành phố cũng rất hiệu quả, phong phú, đa dạng. Nhiều trí thức, kiều bào, bằng mối quan hệ của mình đã kết nối, vận động các cá nhân, tổ chức nước ngoài đóng góp chất xám, kêu gọi đầu tư. Từ đó, có sự giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội. Bạn bè quốc tế đến TPHCM ngày càng nhiều hơn, hiểu và có niềm tin vào đất nước và người Việt Nam hơn.

Với lượng người dân nhập cư đông nhất nước, TPHCM luôn thể hiện sự công bằng trong thực hiện chính sách đối với thành phần cư dân; có chính sách còn ưu đãi hơn đối với người nhập cư sinh sống tại thành phố. Hơn thế nữa, thành phố còn có nhiều chương trình, chính sách, các đóng góp của xã hội chăm lo an sinh cho công nhân, sinh viên, học sinh, người lao động khó khăn từ các tỉnh, thành khác đến, như vận động không tăng giá nhà trọ; giải quyết định mức nước sạch, định mức điện theo tiêu chuẩn đối với người dân thành phố; hàng năm tổ chức tặng quà tết, tặng vé xe cho công nhân về quê đón tết…

Người dân thành phố luôn giữ vững truyền thống cách mạng, vừa kiên cường, năng động vừa đoàn kết, thủy chung, nhân ái đã tạo nên sức mạnh to lớn đóng góp vào sự phát triển của thành phố sau 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước.

VÕ THỊ DUNG
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM

VÂN ANH (ghi)

Tin cùng chuyên mục