“Qua trao đổi với các đồng nghiệp châu Âu, tôi nhận thấy ý tưởng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào thời điểm hiện nay không được đa số ủng hộ”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã trả lời một cuộc phỏng vấn như vậy ngay sau bài phát biểu nhậm chức được cho là đậm chất thân phương Tây của tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Nhà ngoại giao Pháp còn cho biết các đối tác phương Tây, ngay cả Mỹ, cũng không muốn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Sau chính biến tại Ukraine, chính phủ thân phương Tây được lập nên tại Kiev đang rất kỳ vọng được gia nhập EU và NATO với mục tiêu hội nhập kinh tế, tăng cường hợp tác quân sự để giảm dần sự phụ thuộc vào Nga. Phát biểu của ông Fabius như một gáo nước lạnh dội vào hy vọng đó. Tuy nhiên, những khó khăn của việc Ukraine gia nhập EU không phải đến bây giờ mới biết.
Giới quan sát đã từng đưa ra một loạt lý do về việc EU khó có thể chấp nhận Ukraine. Thứ nhất, xét về yếu tố lịch sử, Nga và Ukraine có mối quan hệ lâu đời. Nhiều người cho rằng bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea nhấn mạnh: “Nga và Ukraine là anh, em” là rất đúng. Vì vậy, ảnh hưởng rộng lớn của Nga đối với Ukraine không thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Thứ hai, nền kinh tế Ukraine đang gặp nhiều khó khăn và không thể nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Ngay cả việc ký hiệp định liên kết về kinh tế với EU cũng sẽ không giúp Ukraine thoát khủng hoảng nhanh hơn. Trong bối cảnh nhiều quốc gia tại châu Âu đang phản đối việc mở rộng biên giới EU, việc tiếp nhận thêm một thành viên có nền kinh tế khó khăn là điều khó chấp nhận. Thứ ba, trong quá trình đàm phán để kết nạp thành viên, EU luôn cân nhắc đến đảm bảo lợi ích của các quốc gia khác, trong đó có cả Nga. Philippe Migault, chuyên gia Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) từng nhận định châu Âu chưa sẵn sàng tính tới việc kết nạp Ukraine bởi việc kết nạp này sẽ làm tổn hại quan hệ của EU với Nga.
Trong khi đó, Đài tiếng nói nước Nga cho rằng nếu chính quyền Kiev thân Mátxcơva sẽ có nhiều cái lợi. Kiev sẽ tiếp tục được hưởng các chính sách thuế quan ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu của Ukraine vào Nga; 5 đến 6 triệu người Ukraine tiếp tục được làm việc tại Nga có thể gửi tiền về Ukraine, giúp nền kinh tế trong nước. Đặc biệt, vấn đề khí đốt sẽ được giải quyết “êm thấm”, Nga có thể sẽ cho Ukraine tiếp tục được mua khi đốt với giá thấp… Tuy nhiên, nếu ông Petro Poroshenko ngả về Nga thì chắc chắn lực lượng thân phương Tây không để ông này yên và vị tân tổng thống sẽ khó tránh khỏi kết cục như người tiền nhiệm bị lật đổ Viktor Yanukovich.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, có thể thấy rõ rằng EU và Mỹ chỉ muốn tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Ukraine, không muốn Kiev ngả về phía Mátxcơva, để phục vụ chính sách Đông tiến. Tương lai của Ukraine ra sao không phải là điều quan tâm của phương Tây. Ukraine đã trở thành nạn nhân trong mưu đồ chính trị của Mỹ, EU và giờ đang bị đặt vào thế khó, ở ngã ba đường trong lựa chọn Đông-Tây.
ĐỖ CAO