Sáng 31-3, Báo SGGP - Khối trưởng Khối thi đua 5 - tổ chức triển khai kế hoạch hoạt động của khối năm 2011 về công tác thi đua - khen thưởng. Các đơn vị trong khối đã đề xuất nhiều nội dung thi đua thiết thực gắn với đặc thù của đơn vị trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội có nhiều biến động…
- Bám sát nhiệm vụ chính trị
Mở đầu hội nghị, ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP đã quán triệt Chỉ thị 09 của UBND TPHCM về tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2011, đặt trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị xã hội hiện nay cũng như dựa vào đặc thù hoạt động của 8 đơn vị trong khối. Ông đề xuất: “Khối thi đua 5 thực hiện 3 nhiệm vụ chính: tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do vậy, phong trào thi đua của các đơn vị cũng phải gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị”.
Trên cơ sở đó, ông Hoàng Văn Năng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn nói: “Đơn vị tôi sẽ gắn phong trào thi đua với việc tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo!”. Trong khi đó, đại diện Đài Truyền hình TPHCM cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng của đài là không để xảy ra sai sót trong nội dung tuyên truyền nên phong trào thi đua của đài sẽ gắn với nhiệm vụ này. Đồng thời, trong năm 2011, đài sẽ tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước như: Kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng CSVN; 65 năm ngày bầu cử Quốc hội khóa 1; 70 năm Bác Hồ trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng; 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 50 năm đường Trường Sơn trên biển; Năm Thanh niên, Năm vì trẻ em…
“Tăng chất lượng, số lượng đào tạo là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu. Trong năm 2011, chúng tôi sẽ tăng số lượng đào tạo gấp 3 lần trước đây”, đại diện Trường ĐH Y khoa Sài Gòn cho biết. Ngoài ra, phong trào thi đua tại đơn vị này tiếp tục gắn với việc thực hiện cuộc vận động: chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng với nhu cầu xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới cơ chế tài chính cho ngành giáo dục…
- Thi đua phải thực chất
Với đặc thù báo chí, ông Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, cho rằng: “Đề án phát triển Báo SGGP đến 2015 đã được Thành ủy TPHCM thông qua, xác định rõ 3 chức năng, nhiệm vụ, gồm: thông tin tuyên truyền, kinh tế báo chí, hoạt động xã hội. Do vậy, phong trào thi đua của báo sẽ bám sát các chức năng trên”.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, báo đã tích cực triển khai thực hiện và tạo các vệt tuyên truyền nhằm góp phần đưa cuộc vận động đi vào nếp sống, nếp nghĩ của cán bộ, người dân. Ngoài ra, báo cố gắng thông tin trung thực, có định hướng về tình hình thành phố và cả nước.
“Bám sát thời cuộc, thường xuyên giới thiệu những thành tựu trên các mặt đời sống xã hội; tiếp tục là cơ quan truyền thông đi đầu trong việc đấu tranh tư tưởng, chống những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; phê phán những quan điểm lệch lạc trên mọi lĩnh vực của đời sống”, ông Nguyễn Tấn Phong khẳng định.
Trong hoạt động xã hội, Báo SGGP tiếp tục duy trì, phát triển những hoạt động đã thực hiện rất hiệu quả, tạo uy tín cao trong nhiều năm qua như: Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, cuộc thi “Văn hay chữ tốt”; giải thưởng Võ Trường Toản, Tôn Đức Thắng, Quả bóng vàng… Riêng chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, được khởi động 2 năm qua, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, địa phương và đã giúp các cựu chiến binh, đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các đài tưởng niệm liệt sĩ dọc đường Trường Sơn và còn tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, cho rằng: Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đơn vị sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi; tham gia triển lãm sách chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tham gia lễ hội Đường sách ước mơ dịp tết 2011; tham gia Ngày hội sản phẩm dịch vụ văn hóa 2011 (diễn ra từ ngày 1 đến ngày 5-6-2011 tại TPHCM); tham gia tuần lễ sách hay. Còn Viện Nghiên cứu phát triển TP cam kết sẽ hoàn thành khối lượng các đề tài nghiên cứu mà UBND TP giao theo đúng tiến độ; tập trung nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu, bám sát yêu cầu lý luận gắn chặt với thực tiễn…
Góp ý chung cho hội nghị, bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP, nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy, phong trào thi đua thật sự hiệu quả chỉ khi nào lãnh đạo đơn vị đó có quan tâm. Tại những cuộc họp quan trọng về hoạt động thi đua mà lãnh đạo đơn vị không dự, không theo dõi xuyên suốt thì sẽ không nắm được tình hình, như vậy rất khó triển khai, chỉ đạo hoạt động này tại đơn vị mình”.
Ở một khía cạnh khác, Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển, nói: “Để hoạt động hiệu quả, phong trào thi đua phải thực chất. Lấy thực chất làm trọng tâm trong hoạt động, tránh hình thức, tránh thi đua gây tác dụng ngược do thiếu công bằng, không minh bạch. Phong trào phải thật sâu, thật sát”.
VÂN ANH