Thị hiếu âm nhạc lành mạnh

Có thể nói thị hiếu âm nhạc trong quần chúng hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Ngay trong một gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và con cháu, thậm chí giữa anh chị em ruột thịt, thị hiếu âm nhạc cũng không giống nhau, có cự ly nhất định, nhiều khi còn đối lập. Nhìn rộng hơn, giữa các tầng lớp xã hội với những ngành nghề khác nhau, giữa các địa phương trên đất nước, đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi, thị hiếu âm nhạc cũng rất khác biệt. Đương nhiên, không thể có sự đồng nhất về thị hiếu âm nhạc trong một cộng đồng rộng lớn. Nhưng điều cần làm là phải xây dựng thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ về tinh thần và tình cảm của mọi thành viên trong cộng đồng, làm nền tảng văn hóa của một dân tộc.

Thị hiếu âm nhạc nói rộng hơn chính là xu hướng yêu thích một thể loại, một hình thức, một phong cách sáng tác hoặc biểu diễn nào đó đối với người thưởng thức âm nhạc. Vì lẽ âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh để phản ảnh cuộc sống hiện thực và thế giới nội tâm, nên thưởng thức âm nhạc là cả một quá trình cảm thụ âm nhạc, tiếp nhận sự kích thích của âm nhạc thông qua tai nghe, mắt thấy. Không phải thụ động một chiều, không phải chỉ bó hẹp trong thời gian nghe nhìn, mà ngay sau đó, người thưởng thức còn tiếp tục rung động, suy gẫm, tưởng tượng khi hòa mình trong thế giới âm thanh của nhạc phẩm. Thị hiếu âm nhạc hình thành từ trong bối cảnh xã hội, mức sống vật chất, mặt bằng trí tuệ, đặc điểm dân tộc, địa phương…

Không ít người có thái độ thiên lệch, định kiến xấu đối với thị hiếu vì cho rằng đó là cái “gu”, cái sở thích riêng, ngược với tinh thần tập thể, tình cảm cộng đồng. Do đó, cần hiểu rằng thị hiếu là một đường nét riêng về tinh thần, tình cảm của từng con người cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể. Chính từ những cái riêng của thị hiếu âm nhạc mới có sự tồn tại của nhiều hình thức, thể loại âm nhạc đa dạng, phong phú từ đơn sơ, giản dị như những câu hát ru, câu hò, điệu lý trong dân ca, đến những gì phức tạp hơn như ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, giao hưởng, opera… Vì thế, cần tôn trọng thị hiếu riêng của từng người trong cái tập thể rộng lớn của xã hội khi thưởng thức âm nhạc.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa thị hiếu âm nhạc đích thực và sở thích tò mò, hiếu kỳ, vọng ngoại, chuộng cái lạ. Mới nghe “pop ballad”, “rock latin”, “hip hop”, “rap”… chưa kịp thấm hay thấu hiểu, chưa kịp tiêu hóa đã vội vã chạy theo săn đón, bắt chước cho kỳ được. Một khi đề cập đến thị hiếu nghệ thuật, phải nói đến sự rung động thực sự của trái tim, sự xúc cảm chân thành của tâm hồn khi hòa mình vào trong thế giới âm thanh của lời ca, tiếng nhạc.

Quả thật thị hiếu là một thực tế hiển nhiên tồn tại trong quá trình thưởng thức âm nhạc, nhưng không phải là một thực thể bất di bất dịch, bất khả xâm phạm. Vì lẽ, khi thưởng thức âm nhạc, trong từng trường hợp cụ thể, bên cạnh mặt tích cực, thị hiếu cũng có mặt tiêu cực, hạn chế của nó. Một khi thị hiếu giúp ta thưởng thức âm nhạc tốt hơn, mặt khác có lúc nó thành vật cản làm ta trở nên bảo thủ, trì trệ hay vong bản. Không thể yêu thích dân ca, nhạc cổ đến mức xem đây là toàn bộ nền âm nhạc của dân tộc. Cũng không thể ngưỡng mộ giao hưởng của khí nhạc, đến mức chê bai ca khúc trong thanh nhạc. Thái độ kỳ thị đàn bầu, đàn tranh sau khi nghe độc tấu piano, organ cũng chính là mặt hạn chế của một dạng thị hiếu âm nhạc.

Vì một nền âm nhạc dân tộc hiện đại cần phải chủ động tìm cách thay đổi, nâng cao thị hiếu. Không thể ngồi yên chờ đợi thị hiếu tự lột xác từ tầm thường thành lành mạnh, tiến bộ. Muốn vậy cần có sự phối hợp hài hòa tổng thể giữa xã hội và gia đình, nhà nước và nhân dân, cơ quan và đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng. Vì lẽ con người không phải sản phẩm của thị hiếu mà chính thị hiếu do con người sinh ra và con người không thể là nô lệ của thị hiếu. Mong sao thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh, tiến bộ rồi đây sẽ trở thành thực thể rộng khắp trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.

Có người cho rằng để thưởng thức loại hình này, chỉ cần nghe ca nhạc là đủ thỏa mãn nhu cầu. Thực tế không phải chỉ như vậy, vì hầu hết trong chúng ta đều thích đi xem ca nhạc. Vì sao như vậy? Ngoài thính giác là chủ yếu để nghe, thị giác cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thưởng thức âm nhạc, vì lẽ ngoài tai nghe giọng hát, tiếng đàn, mắt ta còn thích nhìn cả phong cách, động tác biểu diễn, mặt mũi, trang phục diễn viên.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục