Thích ứng an toàn, linh hoạt

Những tháng cuối cùng của năm 2022 đang chịu sức ép lớn, cả ở cả tầm quốc gia lẫn địa phương do tác động từ bên ngoài đang rất “rát” khi thế giới tiếp tục bị va đập bởi những cú sốc lớn về nguồn cung năng lượng, nguyên liệu; lạm phát cao đi kèm suy thoái kinh tế không thể cưỡng lại.

Cùng với đó là sức ép từ bên trong từ trạng thái nỗ lực phục hồi sau 2 năm chống dịch của các hoạt động kinh doanh, mua bán, làm ăn đến những tác động khác nhau của ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cán cân thanh toán.

Từ thực tế đó, TPHCM chủ động tiếp cận những thách thức vĩ mô của năm, trong đó có 4 mục tiêu quan trọng về mặt vĩ mô đang được đặt ra.

Thứ nhất là giữ vững và bảo vệ sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước các hiệu ứng dây chuyền đang diễn ra.

Thứ hai là triển khai cuộc tổng rà soát để “tái cấu trúc” thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch.

Thứ ba, khi dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng cẩn trọng, áp lực từ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED thì việc nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết, cho thấy sự quyết liệt, tính phòng thủ cao của những nhà điều hành kinh tế quốc gia. Song, sức ép cho nền kinh tế là không nhỏ. Giữ ổn định đồng tiền Việt Nam không mất giá nhưng nếu lãi suất điều hành không giảm (thậm chí còn “đua tăng” theo FED) thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi.

Thứ tư, là kịch bản tăng trưởng của Việt Nam và thành phố trong năm sau. Các con số đã được tính toán từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, chẳng hạn dự kiến tăng trưởng 6,5% (của Bộ KH-ĐT) hay 7% (Quỹ Tiền tệ Thế giới - IMF). Tăng trưởng của TPHCM được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM dự kiến khoảng 7-8% (so với tăng trưởng năm 2022 đang được dự kiến khoảng 9,4%). Đi kèm với đó là thu ngân sách và các chỉ số quan trọng khác của nền kinh tế. Những dãy số biết nói trong các kịch bản tăng trưởng đòi hỏi những quyết sách hành động sớm, quyết liệt với “sai số” thấp nhất trong biên độ cho phép, cũng như các sự gia giảm - điều chỉnh cho sát nhất với tình hình.   

Với tinh thần “nhìn thẳng, nói thẳng”, TPHCM đã nhận thấy, đặt ra và sẽ giải quyết 4 bài toán nói trên như thế nào? Câu trả lời đã được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi gợi ra và “chốt lại” tại cuộc họp kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, giải pháp cho 2 tháng cuối năm. Trong đó quan điểm chỉ đạo quan trọng xuyên suốt là “nhận thấy và dự báo những khó khăn để đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp”. Điểm mấu chốt là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thu nhanh các nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công; tập trung xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội khi nguồn ngân sách có giới hạn. Cùng với đó là hoàn thiện các tiêu chí để thu hút đầu tư FDI thế hệ mới. Đây là những chuẩn bị quan trọng để tạo sự chủ động về “nguồn lực” cho các dự án phát triển trên địa bàn.

Với 4 vấn đề vĩ mô đang được đặt ra cho thời gian tới, đặc biệt là sự ổn định của ngân hàng thương mại và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đòi hỏi TPHCM chung tay góp sức, vận dụng thực thi có hiệu quả nhất các chính sách của Trung ương để vận hành nền kinh tế thông suốt về phía trước. Quan trọng không kém là xây dựng các phương án “quản trị rủi ro” trên địa bàn của mình. An ninh và an sinh xã hội là những mục tiêu trước mắt khi thời gian qua những tụ tập đông người vì hiện tượng thiếu xăng dầu, hay liên quan trái phiếu doanh nghiệp có thể gây những tác động khác nhau đển đảm bảo trật tự xã hội.

Thích ứng “an toàn, linh hoạt” là yêu cầu thực tế đặt ra, không  chỉ mang tính tình thế, mà  có ý nghĩa sống còn cho các kế hoạch, chương trình phát triển của thành phố!    

Tin cùng chuyên mục