Thiêng liêng hai tiếng gia đình

Từ bao đời nay, tổ ấm gia đình và sợi dây truyền thống gia đình luôn là huyết mạch thiêng liêng, gắn kết sâu lắng mối quan hệ của mỗi thành viên là người Việt Nam. Từ sâu trong tâm khảm của chúng ta, cái nôi gia đình luôn lưu giữ hình ảnh của tổ tiên, gia tộc, ông bà, cha mẹ lẫn người thân. Họ luôn chung sống hòa thuận, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau bằng tình thương yêu chan chứa. Ở nơi đó dù có đi đâu xa xôi vạn dặm, ai cũng xốn xang, khắc khoải nỗi nhớ quê nhà. Nhớ bến nước, cây đa, đồng lúa xanh mượt mà, nhớ những làn điệu dân ca đằm thắm, ngân nga.

Ở nơi đó dù chật hẹp hay rộng rãi đều là bến đỗ bình yên, thư giãn để sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, chúng ta được chia sẻ, vỗ về và nếu có âu lo, buồn phiền thì được gột rửa, xoa dịu… Hai tiếng gia đình tuy giản đơn nhưng chứa đựng biết bao hạnh phúc, yêu thương! Hai tiếng gia đình sẽ và mãi mãi là tài sản vô giá đối với những ai đã trải nghiệm nắm giữ được nó hoặc đã để nó vuột khỏi tầm tay. Vâng, nếu không biết gìn giữ, nâng niu món tài sản quý giá nhất cuộc đời là gia đình là chúng ta có lỗi. Con số mỗi năm có khoảng 70 ngàn vụ ly hôn khiến hàng trăm ngàn trẻ em bị tước đoạt quyền yêu thương, quyền có đầy đủ tình cảm cha mẹ đang trở thành nỗi đau, nỗi nhức nhối trong xã hội hiện đại hôm nay.

Trong cơn lốc gọi là cơ chế thị trường và xu thế phát triển, hội nhập, có rất nhiều giá trị vốn được coi là truyền thống của gia đình đang bị lu mờ, thậm chí bị xem nhẹ. Thế nhưng, xã hội dù văn minh đến đâu, con người dù hiện đại đến đâu thì mái nhà, tổ ấm cũng được thêu dệt, dựng xây từ những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp như thủy chung, hòa thuận, hiếu thảo, lễ nghĩa, tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên với nhau. Thiếu những phẩm chất này, tình cảm gia đình, quan hệ gia đình sẽ bị phân tán, mờ nhạt và tổ ấm có nguy cơ tan vỡ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là gia đình hiện đại - là tế bào và hạt nhân của xã hội đang có nguy cơ bị dao động vì một số chức năng của nó đang bị biến đổi, tính giáo dục trong gia đình cũng được chuyển giao bớt ra ngoài xã hội. Từ sựï biến đổi cấu trúc gia đình, sự khẳng định vai trò cá nhân đã giúp nhiều phụ nữ, người mẹ, người vợ được ra ngoài tham gia vào các hoạt động xã hội, kể cả làm kinh tế, tìm kiếm vị trí xã hội cao hơn. Thế nhưng, khi người cha lẫn người mẹ, người vợ-nhân vật chủ chốt giữ lửa ấm cho gia đình ra bên ngoài nhiều hơn thì riềng mối gia đình dễ bị đứt đoạn, mối quan tâm lẫn nhau trở nên lạnh lẽo, mờ nhạt. Những bữa cơm gia đình truyền thống cứ thưa dần và ít khi hội đủ những thành viên.

Nhân ngày gia đình Việt Nam 28-6, mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình, hãy quay về cội nguồn để vun đắp cho mái ấm gia đình bằng tình thương yêu và bằng những việc làm giản đơn nhưng thiết thực nhất. Có thể chỉ là một lần bạn hủy bỏ bữa tiệc tùng hoặc tự do riêng tư để về nhà ăn một bữa cơm gia đình thân mật có đầy đủ ông bà cha mẹ, con cái. Có thể chỉ là một lần bạn dứt bỏ công việc bận bịu để đưa người thân và những thiên thần bé nhỏ của mình đi dã ngoại, du lịch ở đâu đó… Cứ mỗi lần nhớ về cái nôi thiêng liêng-gia đình và thắp lên nhiều ngọn nến lung linh, bạn sẽ thấy nơi đó là bến đỗ bình yên nhất để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục