Thổi hồn vào tre, nứa

Với sự sáng tạo, tinh tế, nghệ sĩ Nguyễn Trường đã kết hợp nghệ thuật truyền thống và hiện đại tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo. Những cây đàn tre mang dấu ấn của ông không chỉ thu hút sự chú ý của giới âm nhạc mà còn gợi lên một cuộc cách mạng âm nhạc mới, đậm chất Tây Nguyên.

Duyên với nhạc cụ Tây Nguyên

Một buổi sáng se lạnh của những ngày cận Tết Giáp Thìn, chúng tôi có dịp đến thăm nghệ sĩ Nguyễn Trường. Vừa đến đầu hẻm, chúng tôi đã nghe tiếng dương cầm du dương của nghệ sĩ như chào đón. Thấy khách đến, ông dừng tay, nở nụ cười hiền hòa chào đón. Bước chân vào nhà, trước mắt chúng tôi là một không gian đầy màu sắc và âm thanh của núi rừng Tây Nguyên, đó là hàng loạt nhạc cụ độc đáo được làm từ tre và nứa. Nghệ sĩ Nguyễn Trường bắt đầu câu chuyện về duyên nợ với mảnh đất cao nguyên nắng gió. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, ông đến Đắk Lắk làm việc và nặng nợ với vùng đất này suốt hơn 30 năm qua.

Trải qua nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực âm nhạc, ông trở thành một người đáng kính trong cộng đồng nghệ sĩ và người yêu âm nhạc. Vốn là người say mê âm thanh của núi rừng Tây Nguyên, ông thường lang thang khắp nơi để tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc. Một lần trên đường đi điền dã ở huyện M’Đrắk (Đắk Lắk), ông đã phát hiện ra ý nghĩa và âm sắc đặc biệt trong tiếng thổi nhạc cụ Kypăh (một nhạc cụ của người Ê Đê làm từ sừng trâu) của một cụ già. Nhạc cụ này gợi cho ông những âm thanh độc đáo của núi rừng Tây Nguyên. Ông đã học hỏi, nghiên cứu và cuối cùng cũng hiểu nguyên lý phát âm và cấu tạo của Kypăh.

f5c-6397.jpg
Nghệ sĩ Nguyễn Trường trình diễn violon tre độc đáo

Từ đó, ông rơi vào sự mê hoặc của âm nhạc truyền thống Tây Nguyên và bắt đầu học tập, sáng tạo. Những chuyến đi lang thang khắp vùng đất Tây Nguyên đã đưa ông đến với những cây mõ bò, tre, nứa và gốc cà phê sần sùi. Ông đã tìm hiểu những dụng cụ vô tri, vô giác và chế tạo ra những loại nhạc cụ độc đáo. Bằng sự khéo léo và tài năng của mình, ông đã biến chúng thành những cây sáo, kèn và đàn bầu độc đáo, mang đậm nét văn hóa và tinh thần Tây Nguyên.

Chiếc violon tre độc lạ

Năm 2018, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Trường dành toàn bộ thời gian nghiên cứu, sưu tầm và phục chế một số nhạc cụ dân gian từ tre và nứa như đàn T’rưng, đàn Đingpăh, Đing pơng, Ching Kram, Đing Tut, Đing Tak tar, Đing puốt, Ching Đing Arap M’ô... Ông dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu và chế tác những cây đàn tre độc đáo. Vật liệu tre truyền thống được ông khéo léo kết hợp với công nghệ hiện đại, tạo ra âm thanh tinh tế và hòa âm mượt mà.

Độc đáo nhất trong số đó là cây violon tre, một sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và dân tộc Tây Nguyên tạo ra một tác phẩm hoàn hảo. Nghệ sĩ Nguyễn Trường tiết lộ, để chế tạo đàn violon tre, ông đã mất một thời gian dài. “Quá trình làm ra violon tre đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác từng chi tiết. Tôi lựa chọn cây tre không quá già cũng không quá non, sau đó xử lý kỹ lưỡng để loại bỏ mọt và tạo ra âm thanh tốt nhất. Việc chế tác đòi hỏi sự tinh tế, tận tụy, từng milimét đều được quan tâm để đảm bảo âm thanh phát ra liền mạch và đẹp mắt”, nghệ sĩ Nguyễn Trường chia sẻ.

Cây đàn violon tre đã được trưng bày và biểu diễn tại Hội thảo Hiệp hội Tre thế giới tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Năm 2021, nghệ sĩ Nguyễn Trường được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người đầu tiên chế tác nên cây đàn violon tre - nhạc cụ độc đáo được lấy cảm hứng từ đàn violon của phương Tây kết hợp với nguyên liệu tre truyền thống của Việt Nam. Hiện nay, ngoài việc chế tác nhạc cụ, ông Nguyễn Trường còn thường xuyên đến các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh để truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ tre cho học sinh dân tộc thiểu số. “Tôi mong muốn rằng nhạc cụ tre sẽ trở thành một môn học năng khiếu cho các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tôi muốn truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam”, nghệ sĩ Nguyễn Trường tâm sự.

Với những tác phẩm độc đáo bằng tre, nứa, nghệ sĩ Nguyễn Trường đã khẳng định vị thế của mình trong nền âm nhạc truyền thống và hiện đại. Những cây đàn chế tác của ông không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp mà còn mang trong mình giá trị văn hóa và sự kỳ diệu của âm thanh ở xứ sở nắng gió cao nguyên.

Tin cùng chuyên mục